Phát biểu với các phóng viên tại trụ sở Liên hợp quốc, ông Pak Tok-hun nhấn mạnh Triều Tiên coi mọi biện pháp của Hội đồng Bảo an là "hành động xâm phạm chủ quyền" và sẽ phản ứng bằng "các biện pháp quyết liệt". Ông Pak cũng tái khẳng định tên lửa 3 tầng được Bình Nhưỡng phóng sáng 5/4 vừa qua có mang theo vệ tinh. Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an cũng như các nước ủy viên thường trực đã tiến hành vài vòng họp kín song chưa nhất trí được hành động chung đối với vụ phóng vệ tinh gây tranh cãi của Triều Tiên. Trong phiên họp chiều 7/4 giữa 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc) với Nhật Bản, các đại diện Trung Quốc và Nga đã kêu gọi các bên kiềm chế và tìm một giải pháp tích cực cho vấn đề. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitali Churkin cho rằng cần tập trung nỗ lực cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và việc "thổi phồng" vấn đề phóng tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình đàm phán sáu bên. Ông đồng thời nhấn mạnh cần phải tìm kiếm sự đồng thuận giữa các bên và có một chiến lược chung chứ không nên tìm cách "bác bỏ" Triều Tiên. Trong khi đó, ngày 7/4, Nhật Bản đã bày tỏ quan điểm được cho là "mềm dẻo" hơn khi Ngoại trưởng nước này, ông Hirofumi Nakasone khẳng định "cũng như các quốc gia khác, Triều Tiên có quyền phát triển các chương trình vũ trụ vì mục đích hòa bình". Tuy nhiên, ông Nakasone nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng chỉ có đầy đủ quyền này sau khi hoàn tất quá trình giải giáp hạt nhân. Ông cũng cho rằng dư luận sẽ đặt câu hỏi về uy tín cũng như vai trò của Hội đồng Bảo an nếu cơ quan này không đưa ra bất cứ hành động nào đối với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Sáng 8/4, với đa số áp đảo, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Bình Nhưỡng. Nghị quyết này cũng đã được Hạ viện Nhật Bản thông qua trước đó một ngày. Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản ngày 10/4 sẽ quyết định các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên và gia hạn những lệnh trừng phạt hiện nay. Từ Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tuyên bố sẽ xử lý vấn đề tên lửa của Triều Tiên tách biệt với các dự án hợp tác phát triển kinh tế liên Triều. Giữ lập trường cứng rắn hơn vẫn là Mỹ. Phát biểu với báo giới tại Washington ngày 7/4, Ngoại trưởng Hillary Clinton tiếp tục coi vụ phóng tên lửa là "hành động khiêu khích" và thúc ép Hội đồng Bảo an có biện pháp mạnh đối với Triều Tiên. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood cho biết Washington sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được thỏa thuận tại Hội đồng Bảo an về biện pháp trừng phạt Triều Tiên, đồng thời đang xem xét các phương án riêng nếu nỗ lực này không được ủng hộ. Theo TTXVN/Vietnam+