Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã lên án vụ tấn công đẫm máu này và coi đây là một hành động "dã man". "Tôi rất sốc trước vụ tấn công tàn bạo và vô nhân tính nhằm vào văn phòng của báo Charlie Hebdo. Đây là hành động không thể tha thứ được, một hành động dã man thách thức tất cả chúng ta" - ông Juncker nói. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo EC cũng cảnh báo rằng châu Âu "sẽ phải phản ứng thích đáng".
Tại buổi làm việc ở thủ đô Riga của Latvia ngày 8/1, ông Juncker đã đưa ra 2 vấn đề: Kiểm tra các tài liệu về khu vực Schengen để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa; và tăng cường hợp tác của các dịch vụ quốc gia với Văn phòng Cảnh sát hình sự châu Âu (Europol). Các dự án khác cũng đã và đang được tiến hành xem xét: Tăng cường trao đổi thông tin, một kho lưu trữ các giấy chứng minh thư bị đánh cắp, cảnh giác hơn về hoạt động rửa tiền và hành động kiên quyết chống lại sự cực đoan trên mạng Internet.
Ngoài ra, cao ủy đối ngoại của châu Âu Federica Mogherini cũng khuyến cáo một nỗ lực mạnh mẽ đấu tranh chống khủng bố tại châu lục này.
Dự kiến, các vấn đề cấp bách này cũng sẽ được bàn thảo và quyết định trong các cuộc gặp gỡ của 28 Ngoại trưởng EU tại Brussels vào ngày 19/1 và cuộc gặp của các Bộ trưởng Nội vụ EU tại Riga vào ngày 28/1 tới đây.
Trong khi đó, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở thủ đô Paris, Pháp, chính phủ nhiều nước châu Âu cũng đã ngay lập tức triệu tập các cuộc họp khẩn với cơ quan an ninh quốc gia nhằm đánh giá lại các biện pháp an ninh.
Tại Italy, sau cuộc họp khẩn giữa Thủ tướng Matteo Renzi và Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano, nước này đã quyết định nâng mức báo động chống khủng bố cao nhất. An ninh đã được tăng cường trước các cơ quan của chính phủ, Tòa thánh Vatican và các cơ quan đại diện nước ngoài ở thủ đô Rome và các thành phố lớn. Bộ trưởng Nội vụ Alfano cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban phân tích chiến lược chống khủng bố để đánh giá tình hình.
Tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Nội vụ Jorge Fernandez Diaz cũng có kế hoạch triệu tập cuộc họp khẩn với các chuyên gia chống khủng bố cấp cao để phân tích các nguy cơ từ vụ tấn công ở Paris.
Tại Bỉ, mặc dù không thay đổi mức độ cảnh báo song an ninh cũng đã được tăng cường tại nhiều khu vực. Lực lượng an ninh nước này đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng triển khai khi xuất hiện nguy cơ.
Tại Anh, Thủ tướng Anh David Cameron đã nghe báo cáo của cơ quan tình báo về vụ tấn công. An ninh tại biên giới nước này cũng đã được tăng cường. Tất cả các hành khách đến Anh, đặc biệt là đường biển và qua đường hầm eo biển Manche sẽ bị kiểm tra hộ chiếu bổ sung. Việc kiểm tra hành khách bằng máy quét an ninh cũng được tăng cường. Lực lượng biên phòng của Anh được đặt trong tình trạng báo động nhằm đề phòng trường hợp các nghi phạm khủng bố tại Pháp tìm đường trốn chạy sang quốc gia này. Giới chức Anh cũng duy trì báo động cấp độ nghiêm trọng tại thủ đô London, mức cao nhất thứ hai.
Tại Na Uy, Cơ quan chống khủng bố nước này cũng cho biết đang thắt chặt kiểm soát tình hình sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Paris.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới Đại sứ quán Pháp tại Washington để bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và nhân dân Pháp sau vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo. Nhân dịp này, ông Obama đã ký một quyển sách chia buồn để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công. "Thay mặt cho tất cả người Mỹ, tôi nói với người Pháp tình đoàn kết của chúng tôi sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris" - Tổng thống Obama viết. "Là đồng minh qua nhiều thế kỷ, chúng tôi đoàn kết với người anh em Pháp của chúng tôi để bảo đảm công lý được thực hiện".
Theo Dangocngsan.vn