Trả lời cho các câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã trả lời xoay quanh các nội dung: chương trình, chất lượng giáo dục mầm non, đầu tư cho giáo dục mầm non, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vấn đề xã hội hóa trong giáo dục mầm non, việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, vấn đề thi và tổ chức thi, đề án thi tốt nghiệp THPT theo cụm trường… Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường trả lời các nội dung: việc chậm tiến độ sửa đổi Luật đất đai, các giải pháp khắc phục về đất nông nghiệp sau khi giao đất theo Nghị định 64, tình trạng các dự án "treo" và cách xử lý, kết quả xử lý các vi phạm gây ô nhiễm môi trường… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư trả lời về: sử dụng gói kích cầu, giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, thu hút vốn FDI nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, các giải pháp cấu trúc lại nền kinh tế trong và sau suy giảm kinh tế… Kết thúc phần chất vấn các bộ trưởng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề trong việc chỉ đạo, điều hành kinh tế- xã hội thuộc trách nhiệm Chính phủ và trực tiếp trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Với tinh thần trách nhiệm cao, sau 2,5 ngày thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng và 6 bộ trưởng đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực phụ trách và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Buổi chiều ngày 13-6, các vị đại biểu Quốc hội làm việc theo tổ để tiến hành thảo luận về dự án Luật Viễn thông. Tổ đại biểu 4 tỉnh: Ninh Bình, Hà Giang, Bạc Liêu và Đồng Nai đã sôi nổi thảo luận về dự án Luật này.
Các đại biểu đều đánh giá dự án Luật Viễn thông có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, bởi các dịch vụ viễn thông ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu. Các ý kiến đã đi sâu vào phân tích, chỉ ra những điểm còn bất cập trong quản lý Nhà nước đối với một ngành có tốc độ phát triển "chóng mặt" và sự cần thiết phải ban hành Luật. Các đại biểu nhấn mạnh: một trong những điểm quan trọng của dự án luật Viễn thông là thị trường viễn thông sẽ được "mở" hoàn toàn, cho phép tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng mạng lưới viễn thông. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần phải xem viễn thông là một lĩnh vực đặc thù, cách quản lý mở cửa thị trường viễn thông như thế nào phải nghiên cứu, có cơ chế, chính sách cũng như các quy định chặt chẽ. Các ý kiến cũng nêu rõ: Nhà nước cần có sự quan tâm, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động viễn thông phục vụ tốt cho lợi ích quốc gia và cho doanh nghiệp. Các đại biểu đề nghị dự án Luật được thông qua phải có trách nhiệm thiết lập một trật tự, hành lang pháp lý rõ ràng trong kinh doanh và hoạt động viễn thông. Hiện Việt nam đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, muốn vậy thì Nhà nước phải có quy định về sử dụng kỹ thuật hiện đại trong đầu tư cho lĩnh vực này, không để tình trạng "mạnh ai nấy làm", nhiều doanh nghiệp vào khai thác, kinh doanh theo hướng cái gì có lợi là làm, sẽ dẫn đến tình trạng lĩnh vực viễn thông bị khai thác tràn lan, ảnh hưởng đến nguồn thu cho ngân sách và an ninh của đất nước. Thông qua thảo luận tại tổ, các đại biểu kiến nghị: việc ban hành Luật Viễn thông là cần thiết nhưng nếu Luật không xác định rõ nguyên lý tổ chức thị trường thì những vấn đề như: dùng chung cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên viễn thông sẽ không đạt kết quả như mong muốn…
Bùi Diệu