Cô sinh viên nghèo, học giỏi Trần Thị Kim Cúc nay đã ra trường, có một công việc ổn định trong một công ty liên doanh có tiếng ở thành phố cảng Hải Phòng. Với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng, Kim Cúc bắt đầu tính toán trả khoản tiền được Quỹ Khuyến học Hồng Đức (xã Khánh Thiện) cho vay trong suốt 4 năm học đại học và báo hiếu cha mẹ.
Xúc động kể về hành trình nhiều vất vả của cô con gái út trong nhà, ông Trần Văn Tuấn chia sẻ: Tôi bị bệnh nan y, vợ thì sức khỏe kém. Thu nhập của gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng và nguồn thu nhập bấp bênh từ việc làm thuê của vợ, cuộc sống hết sức khó khăn. Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, mãi mà không thể vươn lên. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi đã không thể nuôi dưỡng hai đứa con trong điều kiện tốt như bè bạn cùng trang lứa. Thậm chí, có những giai đoạn tôi nằm viện, việc học của các con tưởng như phải bỏ dở giữa chừng.
Giờ thì cả gia đình ông Tuấn đã đi qua giai đoạn khó khăn đó. Cô con gái út Trần Thị Kim Cúc trở thành niềm tự hào của không chỉ riêng gia đình ông mà còn là tấm gương của tinh thần hiếu học, nghị lực vươn lên mà người dân trong xã đều yêu mến, nể phục.
"Kim Cúc đỗ vào khoa tiếng Hàn, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội vào năm 2017. Đó là nỗ lực không chỉ của riêng Cúc mà còn là sự đùm bọc, yêu thương và giúp đỡ của bà con, của chính quyền và đặc biệt là của Quỹ Khuyến học Hồng Đức. Những món quà, sách vở, quần áo… được trao tặng vào dịp đặc biệt, đó là động lực để Cúc học tập…. Khi vào đại học, Cúc lại được Quỹ Khuyến học cho vay không lãi suất 10 triệu đồng/năm học.
Đến nay, cháu đã ra trường và được nhận vào làm việc một công ty liên doanh chuyên về sản xuất điện tử. Với mức lương trên 15 triệu đồng/tháng, con đang giúp đỡ gia đình cải thiện cuộc sống. Niềm hạnh phúc nhất đối với tôi, đó là được chứng kiến sự trưởng thành, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn của con gái mình"- ông Tuấn xúc động.
Kim Cúc là một trong nhiều tấm gương vượt khó vươn lên học giỏi và thành đạt ở xã Khánh Thiện. Đánh thức khát vọng, chắp cánh ước mơ cho các em vươn lên đó là nhờ có sự động viên, hỗ trợ rất thiết thực của những tấm lòng thơm thảo của người dân, con em địa phương ở xa quê thông qua Quỹ Khuyến học Hồng Đức.
Ông Đỗ Hồng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện chia sẻ: Xác định rõ tầm quan trọng của sự học, những năm qua địa phương rất chú trọng tới hoạt động khuyến học khuyến tài. Để tạo nguồn lực khuyến khích các thầy cô giáo, các em học sinh có nhiều nỗ lực trong dạy và học, đặc biệt là để giúp đỡ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện để đến trường, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ khuyến học khuyến tài mang tên Quỹ Khuyến học Hồng Đức. Với những hoạt động rất cụ thể, thiết thực, quỹ khuyến học đã nhận được sự ủng hộ lớn của nhân dân địa phương, con em xa quê.
Đến nay, Quỹ đã vận động được gần 2 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã được trích để trao thưởng cho học sinh xuất sắc, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vay không lãi suất để tiếp tục theo đuổi việc học tập. Tính riêng trong năm 2022, xã đã trích 150 triệu để trao thưởng cho học sinh có thành tích học tập tốt và hỗ trợ sinh viên nghèo vay vốn. Có rất nhiều em sinh viên đã ra trường, đi làm và bắt đầu trả khoản tiền vay ý nghĩa này, đặc biệt là còn tham gia đóng góp, tạo nguồn lực giúp đỡ cho những em học sinh khó khăn khác.
Không chỉ hiệu quả trong việc vận động quỹ, xã Khánh Thiện còn "thắp lửa" cho phong trào học tập bằng nhiều hoạt động ý nghĩa khác, trong đó có việc xây dựng, duy trì hoạt động rất hiệu quả của thư viện xã, tạo điều kiện cho các em học sinh, nhân dân địa phương có điều kiện tiếp cận với các nguồn tài liệu, được học tập, nâng cao kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Thư viện nhỏ chừng 80m2, đựng đầy những sách, báo. Nào là sách giáo khoa cấp 1, cấp 2, Báo Ninh Bình, Báo Nhân Dân…được xếp thứ tự, ngăn nắp và rất khoa học theo vần A, B, C…
Ông Đỗ Hồng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện chia sẻ: Ngày xưa, cũng như nhiều địa phương khác, ở xã Khánh Thiện, điều người dân quan tâm hàng đầu là "làm thế nào để đủ ăn, đủ mặc" chứ mấy ai biết tới tờ báo. Ngay cả Đảng ủy, HĐND, UBND xã cũng mới chỉ có 1 tờ báo Ninh Bình. Một số người quan tâm tới báo chí (đặc biệt là những bác có tuổi) thì lại không đủ điều kiện tài chính để mua báo thường xuyên.
Từ thực tế đó, địa phương đã khởi xướng, vận động con em địa phương đóng góp xây dựng một thư viện khang trang với diện tích trên 80m2 trị giá trên 600 triệu đồng, nằm trong khuôn viên của trường THCS Khánh Thiện. Từ đầu năm 2014, thư viện chính thức mở cửa phục vụ bạn đọc.
Để có lượng sách, báo phong phú phục vụ độc giả, Ban quản lý thư viện đã tích cực tuyên truyền, vận động các em học sinh tặng lại sách giáo khoa cũ, con em địa phương thành đạt tặng đầu báo. Các thành viên trong ban quản lý cũng tự lựa chọn đầu báo để đặt mua dài hạn, đóng góp cho thư viện. Nhờ vậy, "vốn liếng" sách, báo, tạp chí của thư viện cũng khá phong phú, như: Sách giáo khoa, sách tham khảo cấp 1, cấp 2, Báo Ninh Bình, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí xây dựng Đảng, Báo Giáo dục và thời đại…
Đầu năm 2022, từ nguồn xã hội hóa, thư viện đã nhận thêm 1.000 cuốn sách, báo, tạp chí để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả. Nhiều em học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã được tiếp cận với nhiều loại sách, tài liệu bổ ích, thiết thực phục vụ cho việc học văn hóa ở trường.
Đến nay, toàn xã Khánh Thiện có 5 tiến sĩ, có trên 50 thạc sĩ và hàng trăm cử nhân thuộc nhiều lĩnh vực. Mỗi năm, có khoảng trên 30 cử nhân ra trường, đi làm việc, đóng góp công sức, trí tuệ ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: Đào Hằng