Men theo con đường bê-tông của thôn Vũ Xá, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư), chúng tôi tìm đến xưởng đá mỹ nghệ của chàng trai trẻ sinh năm 1998 - Phạm Minh Hoạt. Nhìn dáng người mảnh khảnh, gương mặt thư sinh của Hoạt, có lẽ chẳng ai ngờ chàng trai này đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề.
Chàng trai trẻ với niềm đam mê "thồi hồn vào đá"
Sinh ra và lớn lên ngay tại làng nghề đá Ninh Vân với lịch sử hơn 400 năm, niềm đam mê với các sản phẩm đá mỹ nghệ đã "nhen nhóm" trong tâm trí Hoạt ngay từ khi còn đang học cấp 3.
Mỗi khi mùa hè đến, Hoạt xin vào các xưởng chế tác đá trong làng để phụ việc và học nghề. Tốt nghiệp THPT, thay việc lựa chọn học tiếp lên đại học, Hoạt quyết chí "dấn thân" vào nghề làm đá mỹ nghệ. Hoạt chia sẻ: Em tự biết sức mình nên chọn làm nghề, vừa hợp với niềm yêu thích của bản thân, lại tạo ra thu nhập để có thể phụ giúp gia đình.
Bắt đầu mở xưởng đá mỹ nghệ từ năm 2016, Hoạt nhận được sự ủng hộ lớn của gia đình từ tinh thần cho đến vật chất. Thửa đất sau nhà được cải tạo thành nhà xưởng rộng 200 m2, người bố làm nghề lái xe mấy chục năm nay cũng nghỉ ở nhà để cùng cậu con trai làm nghề đá. Sản phẩm chủ lực của xưởng là các sản phẩm đá chế tác lăng mộ.
Hoạt cho biết, dù đã học nghề được mấy năm, nhưng khi mới bắt đầu làm riêng, kỹ thuật chế tác đá của Hoạt vẫn còn kém. Để đảm bảo tiến độ sản phẩm khách hàng đã đặt, xưởng phải thuê thêm 3-4 thợ lành nghề, cũng vừa là "thầy" để dạy nghề cho Hoạt. "Nghề này cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ, những người mới vào nghề thì tùy theo năng khiếu, và quan trọng nhất là cần cù học hỏi, làm càng nhiều thì càng nhanh và đẹp" - Hoạt chia sẻ với chúng tôi.
Vừa làm nghề, Hoạt vừa đúc rút thêm kinh nghiệm cho bản thân. Đơn giản như chất liệu đá cũng phải được lựa chọn tỉ mỉ, nhập từ tỉnh Thanh Hóa về. Bởi đá của tỉnh Thanh Hóa có độ chắc, bền, dễ tạo đường nét mà thời gian sử dụng cũng lâu dài hơn loại đá của địa phương. Kiểu dáng, mẫu mã của mỗi sản phẩm cũng cần được cập nhật thường xuyên, theo thị hiếu của khách hàng.
"Các sản phẩm đá lăng mộ liên quan đến yếu tố tâm linh, thờ cúng tổ tiên của người dân nên cần hòa quyện cả về văn hóa, lịch sử, kiến trúc... cộng thêm yếu tố trang nghiêm" - Hoạt cho biết thêm.
Công đoạn lắp ráp sản phẩm đá mỹ nghệ tại xưởng đá của bạn trẻ Phạm Minh Hoạt. Ảnh: Trường Giang
Qua thời gian làm nghề, xưởng đá càng nhận được thêm nhiều khách hàng, khối lượng công việc ngày càng nhiều khiến Hoạt băn khoăn, suy nghĩ cách để cải thiện tiến độ thi công. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và các làng nghề đá khác, Hoạt quyết định đầu tư hệ thống máy cắt công nghệ cao (CNC).
Với sức trẻ, ham học hỏi và tìm tòi của thanh niên, Hoạt nhanh chóng làm chủ công nghệ: Giờ đây, em sẽ thiết kế các mẫu mã sản phẩm trên máy tính rồi chuyển dữ liệu vào máy cắt CNC là cho ra một sản phẩm. Đương nhiên vẫn có những mẫu mã với đường nét, hoa văn phức tạp sẽ cần thêm công đoạn làm thủ công. Tuy nhiên, có sự trợ giúp của máy móc đã giúp giảm thiểu đến 70% sức người so với trước đây.
Năm 2021, xưởng đá của Hoạt hoàn thành hơn 20 công trình do khách hàng đặt với doanh thu trên 1 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt từ 30-40%. Ngoài 2 đại lý đặt tại tỉnh Nam Định và Thái Bình, Hoạt cũng đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo để tìm kiếm thêm khách hàng.
Nói về hướng phát triển của mình, Hoạt cho biết: Em luôn quan niệm chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Lợi nhuận của từng năm sẽ là nguồn vốn để tái đầu tư. Dần dần, em sẽ tiếp cận với các sản phẩm đá mới, có độ tinh xảo cao hơn, từ đó mở rộng sản xuất, trở thành cơ sở sản xuất đá có "chỗ đứng" trong làng nghề.