Anh Trình cho biết, ở Khánh Thành, bà con chủ yếu là làm nghề nông, chứ ít có ngành nghề nào khác. Khi còn nhỏ, anh đã rất thích nghề may mặc, ước mơ có một thương hiệu thời trang cho riêng mình.
ấp ủ ước mơ đó, sau khi tốt nghiệp THPT, Phạm Văn Trình đi học trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghiệp Nam Định khoa thiết kế thời trang. Sau đó, anh về làm cho Công ty cổ phần may Sông Hồng. Có tay nghề khá, lại sáng tạo và chỉn chu trong từng công việc, anh Trình nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo Công ty và thường xuyên được giao những nhiệm vụ quan trọng. Mức thu nhập của anh Trình tương đối khá, đủ để chăm lo cho gia đình và tạo cuộc sống mới cho bản thân.
"Trong quá trình làm việc ở Công ty cổ phần may Sông Hồng, tôi nhận thấy nhu cầu về may gia công của các doanh nghiệp may mặc là rất lớn. Thậm chí những thời điểm phải hoàn thành đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải "đỏ mắt" tìm kiếm các xưởng may vệ tinh. Vậy là tôi đã có một quyết định khá mạo hiểm: từ bỏ công việc đang làm với mức thu nhập khá để trở về quê hương mở xưởng may gia công".
Năm 2014, anh Trình lựa chọn chính quê hương mình là nơi khởi nghiệp. Với chút vốn dành dụm được và vay mượn thêm của anh em, bạn bè, anh Trình đầu tư mua 8 chiếc máy may và xây dựng xưởng. Ban đầu mới mở xưởng, các đơn đặt hàng còn hạn chế, chính vì vậy, anh thường xuyên đi học hỏi và tìm các mối đặt hàng gia công tai các xưởng may trên địa bàn để duy trì việc làm cho công nhân.
Với sự kiên trì, nỗ lực của người thanh niên trẻ tuổi, đến nay xưởng may của gia đình anh đã đi vào ổn định, các đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, hiện nay xưởng may của gia đình có hơn 50 máy may, tạo việc làm cho hơn 30 công nhân lao động với thu nhập từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó còn có 6 tổ hợp vệ tinh, mỗi tổ hợp có từ 5 - 10 máy may; Doanh thu hàng năm đạt gần 2 tỷ đồng.
Nguyễn Hùng