Sinh năm 1986 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đông Sơn. Từ khi sinh ra Đỗ Văn Chinh đã không lành lặn như bao trẻ em khác. Việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn, chủ yếu nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Đỗ Văn Chinh không theo học tiếp mà luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm gì để vượt lên số phận, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Anh đã xin vào học nghề và làm việc tại Công ty chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ gỗ, tre, nứa tại phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, rồi xuống huyện Kim Sơn để học nghề làm hàng thủ công đan bèo bồng và cói, thế nhưng đều không thành công…
Năm 2010, được sự tư vấn, giúp đỡ của tổ chức đoàn thanh niên, Chinh đã ra Hà Nội học nghề điêu khắc đá và tranh phong thủy. Qua 6 tháng miệt mài, Đỗ Văn Chinh đã có thể độc lập làm nghề. Trở về quê hương, Chinh tận dụng 50 m2 đất làm nhà xưởng và vay mượn vốn liếng của họ hàng, tận dụng nguyên liệu đá loại không dùng được trong quá trình học việc để về chế tác thành các mặt hàng trang sức nhỏ như tì hưu, ve sầu, tượng nhỏ dùng để treo cùng vòng trang sức. Anh đã nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; ban đầu đơn vị đặt hàng mua với số lượng nhỏ, sau gần 2 năm anh đã nhận được nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn hơn.
Sau khi có chút tiền tích lũy cộng với vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Tam Điệp 50 triệu đồng, Chinh mạnh dạn mở rộng Quy mô sản xuất. Năm 2012, anh đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích hơn 100 m2 và trực tiếp giới thiệu, truyền nghề điêu khắc đá quý và tranh phong thủy cho thanh niên trong xã. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, anh tiếp tục sáng tạo nhiều mẫu mã mới được khách hàng tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng... tin tưởng đặt hàng thường xuyên. Hiện nay, anh còn tạo việc làm cho 5 thanh niên trong xã với mức lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Mong muốn của Đỗ Văn Chinh giờ đây là mở rộng nguồn vốn, quy mô sản xuất để có thêm điều kiện hỗ trợ nhiều thanh niên khuyết tật được đào tạo nghề, có thể tự nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để thực hiện được mong muốn đó rất cần có sự giúp đỡ của chính quyền cũng như các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương về mọi mặt và sự nỗ lực vươn lên của mỗi cá nhân, trong đó có người khuyết tật.
Phúc Nguyên