Thôn 3, xã Đông Sơn có trên 1 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi khói bụi, tiếng ồn do nổ mìn để khai thác đá. Trung bình một ngày có từ 150-200 lượt xe tải lưu thông trên tuyến đường trục chính của thôn. Mặc dù doanh nghiệp hàng ngày có tưới nước và hỗ trợ người dân một phần kinh phí quét đường, nhưng lượng bụi vẫn còn quá lớn, nhất là vào những ngày nóng bức.
Bên cạnh đó, các quy định về giờ giấc nổ mìn, giờ chạy xe chưa được chấp hành nghiêm, nhiều xe tải còn lưu thông với tốc độ cao gây nguy hiểm cho người tham giao thông, nhất là các cháu học sinh thường xuyên đi về trên tuyến đường này.
Bà Lê Thị Xuân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ở thôn 3 cho biết: Địa bàn thôn nằm cạnh mỏ đá lớn của xã, hàng ngày xe chạy nhiều, chạy nhanh, chạy không đúng giờ quy định, vật liệu còn rơi vãi quá nhiều xuống đường, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, nhất là ảnh hưởng giờ nghỉ trưa của nhân dân. Do chưa nhất trí với biện pháp doanh nghiệp đề ra nên giữa tháng 7/2017 nhiều hộ dân đã đặt barie tự tạo để chặn xe chạy không đúng giờ.
Đồng chí Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: Trên trục đường chính của xã chạy qua hàng ngày có nhiều xe chở vật liệu của các doanh nghiệp khai thác, vận chuyển tài nguyên. Mặc dù xã thường xuyên giao ban với doanh nghiệp, đôn đốc đội ngũ lái xe thực hiện theo đúng cam kết với địa phương như đảm bảo giờ chạy, tốc độ chạy, trọng tải xe, xe phủ bạt.
Đồng thời quan tâm tới việc phun nước hợp lý, đặc biệt ở những giờ cao điểm học sinh đi học và công nhân đi làm. Riêng vấn đề khai thác nổ mìn, xã yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo đúng quy định của Sở Công thương về thời gian nổ mìn, phạm vi bán kính nổ mìn cũng như liều lượng, đảm bảo không để đất đá rơi vãi xuống khu dân cư cũng như nhà dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cam kết của địa phương vẫn còn hiện tượng một số lái xe của doanh nghiệp chưa chấp hành tốt như vào mỏ quá sớm, vẫn còn dùng còi hơi, chạy quá tốc độ, không chấp hành một số quy định khác, đặc biệt vào giờ cao điểm đã gây bức xúc cho nhân dân khiến họ đã tổ chức chặn xe.
Chính quyền xã cũng đã tuyên truyền, vận động, đồng thời đã can thiệp với các doanh nghiệp để người dân có biện pháp từng bước thỏa thuận với doanh nghiệp và đồng ý cho xe chạy.
Trong thời gian tới, xã đề nghị các doanh nghiệp chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước, thực hiện cam kết với địa phương về giờ chạy xe, tốc độ chạy, trọng tải xe, xe phủ bạt, không sử dụng còi hơi và tưới nước hợp lý trong giờ cao điểm, trả tiền quét đường thường xuyên cho hộ ven đường và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như tiền thuê đất, phí khai thác tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường và một số quy định khác trong nổ mìn.
Đồng thời đề nghị doanh nghiệp giao ban thường xuyên với địa phương để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh đội ngũ lái xe để họ chấp hành tốt các điều khoản trong quy định cam kết với địa phương.
Trong quá trình vận chuyển, có những điểm đường bị hư hỏng đề nghị doanh nghiệp kịp thời khảo sát, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường trên tuyến đường trục xã. Đối với 3 điểm trường học ở khu dân cư, đề nghị doanh nghiệp và Sở Giao thông - Vận tải quan tâm làm biển báo hạn chế tốc độ để đảm bảo an toàn cho học sinh tới trường.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt trên, về lâu dài các ngành chức năng, thành phố Tam Điệp và doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng tuyến đường vành đai tránh khu dân cư để phục vụ việc vận chuyển, khai thác mỏ, góp phần đảm bảo đời sống dân sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Tiến Minh