Thực trạng và nguyên nhân.
Lâu nay vào chợ Rồng, ta dễ bắt gặp hình ảnh người dân đi xe đạp, xe máy, xe xích lô một cách tự do trong chợ, gây ra tình trạng lộn xộn, ồn ào, tắc nghẽn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, gây mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Mặc dù trước đây, thành phố Ninh Bình cũng đã chỉ đạo nghiêm cấm các hộ dân bán hàng trên vỉa hè, lòng đường và việc cho xe đạp, xe máy vào bên trong chợ…, nhưng nhiều hộ kinh doanh buôn bán tại chợ vẫn không tuân thủ theo quy định. Cuối năm 2013, UBND thành phố Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo siết chặt việc thực hiện cấm xe đạp, xe máy vào trong chợ tại khu trung tâm chợ Rồng (khu A); thực hiện cải tạo xây dựng bậc tam cấp ở 2 cổng chính mặt tiền của Trung tâm thương mại chợ Rồng, kiên quyết không để xe máy, xe đạp đi vào chợ. Quy định này đã nhận được sự ủng hộ của đa số các hộ kinh doanh tại chợ, nhất là các hộ kinh doanh tại tầng 2 khu chợ trung tâm, nhưng một số hộ kinh doanh tại khu vực tầng 1, nhất là các hộ kinh doanh ngành hàng la ghim (gồm các mặt hàng khô, cá khô, mắm tôm,…) lại phản đối quy định này. Vì thế, sau khi bậc tam cấp được xây dựng, các hộ này đã chống đối bằng cách sử dụng cầu trượt di động để đi xe đạp, xe máy vào trong chợ.
Được biết, chợ Rồng Ninh Bình được đưa vào sử dụng từ năm 1999, ngay sau đó đã sắp xếp ồ ạt cho các hộ buôn bán vào trong tầng 1, tầng 2, kể cả các hộ bán: hàng mã, hàng cơm phở, la ghim… mà không có quy hoạch thật sự khoa học. Đến năm 2008, nhận thấy sự sắp xếp này chưa hợp lý, Ban quản lý chợ Rồng mới tiến hành quy hoạch sắp xếp lại chợ. Như vậy, sau thời gian 9 năm mới có sự sắp xếp lại, khiến cho việc thực hiện không dễ dàng. Việc đi xe đạp, xe máy vào chợ cũng diễn ra thường xuyên và tiếp diễn trong thời gian dài, thành thói quen của người dân, cộng với công tác tuyên truyền, vận động tới người dân tuân thủ theo quy hoạch sắp xếp của chợ chưa hiệu quả, sự thiếu kiên quyết của các lực lượng chức năng trong việc quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm cũng làm cho công tác này gặp nhiều khó khăn.
Bà Đào Thị Phương và một số hộ là dân kinh doanh ở tầng 1 có ý kiến: Việc UBND thành phố Ninh Bình cấm xe đạp, xe máy vào chợ đã gây khó khăn cho việc kinh doanh của chúng tôi. Tôi bán hàng la ghim đã rất lâu tại tầng 1, khu A chợ Rồng, khách cũng đã quen, tôi chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, mà hiện nay, tại tầng 1, khu A của chợ được chia làm 2 khu rõ rệt, một là khu vực phía trong chợ, hai là các ki ốt ở xung quanh chợ cũng kinh doanh các mặt hàng giống trong chợ và được tự do về phương tiện, vì thế khách hàng sẽ lựa chọn việc mua hàng ở ngoài ki ốt để không phải mất thời gian, không mất tiền gửi xe. Như vậy là chúng tôi bị mất khách.
Hướng giải quyết
Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo UBND thành phố Ninh Bình, đồng chí Dương Đức Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Tình hình trật tự trong chợ Rồng từ trước đến nay tuy đã được quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhưng chưa đồng nhất. UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự đô thị khu vực chợ Rồng. Ngay tại Thông báo số 138/TB-UBND ngày 12-12-2011 của UBND thành phố Ninh Bình đã yêu cầu Ban quản lý chợ Rồng kiên quyết nghiêm cấm việc các hộ dân bán hàng trên vỉa hè, lòng đường; việc cho xe đạp, xe máy vào bên trong khu vực chợ; không để các hộ kinh doanh trong chợ che chắn phông bạt làm mất mỹ quan đô thị... Việc cấm đi xe đạp, xe máy vào chợ là việc làm thiết thực, góp phần vào việc thực hiện nghiêm quy định của Công an tỉnh về công tác phòng, chống cháy nổ trong khu vực chợ Rồng, đồng thời đáp ứng yêu cầu của đời sống văn minh đô thị, phấn đấu xây dựng thành phố Ninh Bình lên đô thị loại II vào tháng 6-2014. Vì vậy, UBND thành phố Ninh Bình sẽ kiên quyết chỉ đạo việc thực hiện cấm xe đạp, xe máy đi vào trong chợ và sẽ không cho xây dựng cầu trượt di động đi vào chợ theo yêu cầu của một số hộ dân kinh doanh. Những việc làm chống đối sẽ bị nghiêm túc xử lý. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện từng bước, đầu tiên là cấm xe đạp, xe máy vào trong chợ, sau đó là chỉ đạo sắp xếp lại các ngành hàng, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường trong chợ… Tuy vậy, để giảm bớt khó khăn cho các hộ kinh doanh, UBND thành phố cũng chỉ đạo Ban quản lý chợ Rồng giảm phí gửi xe cho các hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các hộ kinh doanh buôn bán.
Về vấn đề nêu trên, bà Ngô Thị Tuyết, Trưởng Ban quản lý chợ Rồng Ninh Bình cho biết: Năm 2011, Ban quản lý đã tiến hành di chuyển các ngành hàng vào đúng quy hoạch. Các hộ kinh doanh hầu hết đã chấp hành theo sắp xếp. Chỉ còn 28 hộ kinh doanh ngành hàng la ghim chưa chấp hành.
Để từng bước xây dựng Trung tâm chợ Rồng văn minh, phát triển đi lên cùng với sự phát triển đô thị của thành phố Ninh Bình, thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố Ninh Bình, Ban quản lý chợ sẽ kiên quyết vận động các hộ kinh doanh ngành hàng la ghim chuyển đến địa điểm đã quy hoạch; xây dựng bậc tam cấp ở 2 cổng chính mặt tiền Trung tâm thương mại chợ Rồng, tạo diện mạo mỹ quan mặt tiền chợ. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền tới các hộ kinh doanh và người dân hiểu mục đích của việc thực hiện cấm xe đạp, xe máy đi vào trong chợ, tổ chức cho bà con đi tham quan một số chợ văn minh ở các tỉnh khác để học tập; đồng thời tăng cường công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự đô thị tại chợ.
Bài, ảnh: Diệu Linh