Nghĩa trang liệt sĩ xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) là nơi yên nghỉ của 90 liệt sĩ quê nhà. Nghĩa trang được xây dựng từ những năm 2000. Do thời gian và khí hậu khắc nghiệt, nghĩa trang lại nằm ở vùng trũng, thấp, mùa mưa thường ngập úng nên xuống cấp nhanh. Nhiều hạng mục như nhà bia tưởng niệm, nhà nhang khói, nền mộ… bị xuống cấp. Niềm mong mỏi của cấp ủy, chính quyền, nhân dân, đặc biệt là thân nhân các liệt sĩ đó là có thể nâng cấp, trùng tu để nghĩa trang liệt sĩ khang trang hơn.
Xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, các doanh nhân hoạt động trên địa bàn xã đã bày tỏ tâm nguyện được chung tay, góp sức chỉnh trang, nâng cấp để công trình tưởng niệm và nơi an nghỉ của các liệt sĩ quê nhà được khang trang hơn. Tâm nguyện đó đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã.
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: Tuy là nâng cấp, nhưng công trình gần như được làm mới hoàn toàn. 90 ngôi mộ liệt sĩ được làm bằng đá khối, sân nghĩa trang, tường rào, tượng đài… đều được lát và ốp lại bằng đá. Tổng giá trị của công trình trên 4 tỷ đồng, toàn bộ kinh phí là sự đóng góp của các doanh nhân trên địa bàn xã.
Đến nay, công trình đã hoàn thành và rất khang trang, đẹp đẽ, đáp ứng được niềm mong mỏi của nhân dân, đây cũng là nén nhang thơm thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã trước công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ trong dịp 27/7 năm nay.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 nghĩa trang liệt sỹ (gồm 8 nghĩa trang cấp huyện và 37 nghĩa trang cấp xã) với 7.321 mộ liệt sỹ; 1 đền thờ liệt sỹ cấp tỉnh, 12 đài tưởng niệm liệt sỹ (có 1 đài cấp tỉnh), 63 nhà bia ghi tên liệt sỹ (cấp xã).
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp 62 công trình ghi công liệt sĩ, với nguồn kinh phí trên 98,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí Trung ương là 34 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa. Đặc biệt, năm 2017, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng lại Nhà bia ghi tên các liệt sĩ là người quê hương Ninh Bình tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và xây dựng mới Khu lăng bia tưởng niệm liệt sĩ là người quê hương tỉnh Ninh Bình tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị).
Các công trình này có ý nghĩa to lớn về giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, thể hiện được đặc trưng văn hóa của quê hương Ninh Bình. Việc xây dựng nhà bia giúp các đoàn đại biểu, nhân dân và các thân nhân liệt sĩ của tỉnh Ninh Bình đến thăm viếng nghĩa trang, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ nói chung và các liệt sĩ quê hương Ninh Bình nói riêng được trang trọng, thuận lợi.
Ông Dương Viết Yên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Cùng với việc huy động các nguồn lực để tập trung sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo các công trình tri ân liệt sĩ trên địa bàn, các địa phương trong tỉnh cũng rất quan tâm, chú trọng tới việc quản lý, chăm sóc và bảo vệ các công trình ý nghĩa này.
Tại một số địa phương, công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc nghĩa trang đã được thực hiện một cách thường xuyên chứ không riêng dịp lễ, Tết vì đây vừa là trách nhiệm, vừa là tấm lòng của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ.
Hiện nay, 100% nghĩa trang, đài tưởng niệm đều được các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội đảm nhận nhiệm vụ thu dọn vệ sinh, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, dọn vệ sinh, đảm bảo cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp…
Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, trước khi diễn ra các sự kiện quan trọng, từ tỉnh tới các địa phương đều tổ chức đoàn đại biểu đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sỹ trong tỉnh.
Các địa phương và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh duy trì và tổ chức tốt hoạt động thắp nến tri ân tại tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn vào tối ngày 26/7 hàng năm. Mỗi ngọn nến, nén hương thơm, bông hoa dâng lên mộ phần là một tấm lòng thành kính của những thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sỹ- những người đã không tiếc máu xương, cống hiến cả cuộc đời cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Bài, ảnh: Đào Hằng