P.V: Thưa ông, thời gian vừa qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã thể hiện vai trò đồng hành với nạn nhân chất độc da cam như thế nào?
Ông Tạ Quang Chính: Trên tinh thần phát huy trách nhiệm, đoàn kết, nghĩa tình, tất cả vì nạn nhân chất độc da cam, các cấp Hội đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền chủ động triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất.
Lãnh đạo Hội các cấp thường xuyên giữ mối liên hệ với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội để nắm vững việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học theo Nghị định 31 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời thực hiện tốt chức năng tư vấn, giúp đỡ những người bị phơi nhiễm chưa được hưởng chế độ tiếp tục kê khai và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng và các cấp có thẩm quyền giải quyết, tránh để xảy ra các trường hợp quên lãng, làm sai hoặc các hiện tượng tiêu cực.
Thường trực Tỉnh hội cũng đã chỉ đạo hội các huyện, thành phố, thị xã nắm chắc tình hình nạn nhân chất độc da cam, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xét duyệt các đối tượng được thăm, tặng quà; liên hệ trực tiếp với các tổ chức, cá nhân có tiền, quà ủng hộ nạn nhân chất độc da cam để tiếp nhận, phân cấp. Giao cho Thường trực Hội cấp huyện tổ chức trao quà cho các đối tượng hoặc tổ chức đoàn cán bộ trực tiếp thăm hỏi động viên, tặng quà cho một số gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 3.968 đối tượng nạn nhân chất độc da cam được nhận quà do các tổ chức, cá nhân ủng hộ với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
ở cấp huyện và cơ sở, lãnh đạo hội các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
P.V: Ông đánh giá thế nào về về sự chung tay chia sẻ của cộng đồng đối với các nạn nhân chất độc da cam thời gian qua?
Ông Tạ Quang Chính: Có thể nói, hoạt động hỗ trợ các nạn nhân ngày càng được quan tâm, trong đó đặc biệt là các chính sách mang đậm tính nhân văn của Nhà nước đối với các nạn nhân. Riêng ở tỉnh ta, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chủ trương sát, đúng, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân… quan tâm, ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Trong năm 2013, UBND tỉnh đã trích ngân sách địa phương 88 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân. Đặc biệt các đồng chí lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã trực tiếp đi thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó đã tạo sức lan tỏa lớn đối với cộng đồng, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tập thể, cá nhân đạt hiệu quả cao hơn.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2014, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã thẩm định và hoàn chỉnh được 133 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó ra quyết định hưởng trợ cấp hàng tháng cho 30 người (29 trực tiếp, 1 gián tiếp). 40 trường hợp đã được Hội đồng giám định y khoa tỉnh kết luận đủ điều kiện hưởng trợ cấp chờ lãnh đạo Sở Y tế chứng nhận, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ ra quyết định trợ cấp hàng tháng. Như vậy đến ngày toàn tỉnh có 4.742 người đang được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam.
P.V: Thưa ông, trên thực tế trong số hơn 4 nghìn người đang được hưởng trợ cấp nạn nhân chất độc da cam, phần lớn cuộc sống của họ vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, Hội sẽ làm gì để góp phần giúp các đối tượng này vơi bớt nỗi đau da cam?
Ông Tạ Quang Chính: Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền về hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm, về sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, việc tổ chức thực hiện của những ngành chức năng.
Trước hết là phối hợp thực hiện tốt chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời nắm vững kết quả và những vấn đề bất cập trong thực hiện Nghị định 31 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Sau đợt tổng rà soát, các cấp Hội nắm vững tình hình nạn nhân chất độc da cam và những người bị phơi nhiễm để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nạn nhân chất độc da cam và người bị phơi nhiễm. Bên cạnh đó tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan để tiến hành công tác tuyên truyền, vận động sự ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Trước mắt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động trong dịp 10-8 với những nội dung đã được Trung ương Hội và Thường trực Tỉnh hội hướng dẫn.Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ, của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn. Về phía Hội sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ, đồng thời duy trì, phát triển mở rộng, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả Quỹ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Đào Duy (thực hiện)