Gần 20 năm công tác tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thị xã Tam Điệp, chị Phạm Thị Toán phải cố gắng hơn nhiều so với đồng nghiệp vì hoàn cảnh gia đình. Những năm gần đây, chồng ốm đau thường xuyên, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai người phụ nữ bé nhỏ. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương 2,5 triệu đồng/tháng của chị. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, các đồng nghiệp cùng tổ lao động với chị Toán thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ chị. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn Công ty đã dành cho chị sự quan tâm chu đáo. Ngoài việc thăm hỏi, động viên về mặt tinh thần, vào các dịp lễ, Tết, Ban chấp hành Công đoàn còn bình xét để chị được hưởng các khoản hỗ trợ của Công đoàn Công ty và Công đoàn cấp trên, giúp chị vơi đi những khó khăn trước mắt trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với số tiền thưởng như các đồng nghiệp khác trong Công ty, chị Toán còn được Công đoàn Công ty hỗ trợ thêm. Trao đổi với chị Bùi Thị Kim Liễu, Chủ tịch Công đoàn Công ty được biết thêm: Đối với Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Tam Điệp, cùng với việc đẩy mạnh phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" tổ chức Công đoàn còn đặc biệt quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, nhất là những lao động nữ, lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện Công đoàn Công ty có hơn 230 đoàn viên công đoàn, trong đó phần lớn là lao động nữ. Với đặc thù công việc hàng ngày của Công ty là đảm nhiệm việc vệ sinh môi trường đô thị nên tuy phù hợp với lao động nữ vì tính chất công việc đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, nhưng cũng khá vất vả. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, phát động các phong trào thi đua, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động…
Tổ chức Công đoàn tại Công ty còn đặc biệt quan tâm tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cải thiện các điều kiện làm việc cho người lao động, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn trong mỗi giờ làm việc, mỗi ca trực, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh nghề nghiệp… Do đó, trong hoạt động của Công ty không để xảy ra tai nạn lao động, các công trình cây xanh, các tuyến đường điện thắp sáng, các ngõ phố… đều được vệ sinh, thu gom rác thải để chở về nơi tập kết đúng quy định. Bên cạnh đó, đối với những lao động nữ, nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức Công đoàn đều kịp thời thăm hỏi, động viên và sẵn sàng phát động, kêu gọi sự sẻ chia, ủng hộ thêm các điều kiện về vật chất để họ yên tâm công tác, nỗ lực hơn trong lao động và ổn định việc gia đình. Từ nguồn quỹ công đoàn, nhiều hoàn cảnh khó khăn của người lao động đã được quan tâm, giúp đỡ bằng những việc làm hết sức kịp thời, ý nghĩa…
Những năm qua, với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh có sự khởi sắc với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều lĩnh vực như: may mặc, da giầy, thực phẩm… đã thu hút lượng lớn lao động nữ, góp phần làm cho tỷ lệ lao động nữ vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị ngày càng tăng.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có trên 44.600 nữ công nhân viên chức lao động, chiếm tỷ lệ 69% tổng số lao động toàn tỉnh. Thấu hiểu những khó khăn của lao động nữ khi tham gia lao động, sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đòi hỏi sự chuyên môn, chuyên nghiệp hóa cao, các tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm sát sao đến việc động viên, chăm lo đời sống cho lao động nữ để họ yên tâm công tác và hoàn thành tốt vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Ban nữ công Công đoàn cơ sở đã thường xuyên quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nữ đoàn viên công đoàn, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của lao động nữ về các vấn đề chế độ, chính sách dành cho lao động nữ trong việc nghỉ chế độ thai sản, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mức lương, thưởng khi làm thêm giờ…
Đặc biệt, tại các khu công nghiệp trong tỉnh, nơi mà tỷ lệ lao động nữ vào làm việc khá cao, chiếm tới trên 80% trong tổng số lao động, các cấp công đoàn còn quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn để lao động nữ đáp ứng được các điều kiện làm việc. Xác định đối tượng lao động nữ vào làm việc tại các khu công nghiệp phần lớn đều xuất thân từ lao động nông nghiệp, chưa quen với tác phong làm việc công nghiệp, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mỗi lao động, các tổ chức công đoàn còn tổ chức các lớp tập huấn, giới thiệu các quy định của Bộ luật Lao động, quyền, nghĩa vụ của người lao động… để người lao động nắm bắt được và chấp hành tốt. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp còn tích cực tham mưu cho chủ doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, quan tâm cải thiện các điều kiện làm việc cho lao động nữ…
Qua khảo sát, kiểm tra của ngành Công đoàn, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã thực hiện tốt việc triển khai các chế độ, chính sách cho lao động nữ như: chế độ nghỉ thai sản, tạo điều kiện cho nữ lao động được nghỉ vào những ngày mùa để giúp gia đình cấy, gặt, phối hợp với Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình triển khai tuyên truyền, đưa các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản đến với nhiều lao động nữ, trích quỹ phúc lợi của đơn vị để chi cho công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em…
Đặc biệt, với những lao động nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: tai nạn lao động, ốm đau, có khó khăn về nhà ở…đã được tổ chức công đoàn các cấp quan tâm thăm hỏi, động viên và có sự hỗ trợ kịp thời về ngày công, kinh phí để giúp chị em ổn định việc nhà. Chỉ riêng năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hơn 100 nữ công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền gần 40 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng nhà mới cho 3 gia đình nữ lao động với kinh phí 60 triệu đồng…
Bùi Diệu