Bà Nguyễn Thị Hoài, chủ nhiệm đồng thời là người múa trống cái của CLB múa trống xã Khánh Tiên năm nay đã ngoài 50 tuổi. Bà bảo, từ khi bà còn nhỏ xíu đã thấy các cụ trong làng múa trống rồi. Theo các cụ kể lại, thì từ những năm thập kỷ 60 của thế kỷ trước, một người con của làng là cụ Nguyễn Văn Sinh đã khai sinh ra môn nghệ thuật này ở Khánh Tiên.
Trải qua bao thế hệ, lấy cảm hứng từ niềm vui của người nông dân mừng ngày hội mùa, những người dân lao động nơi đây đã sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa trống, đưa múa trống trở thành nét văn hóa đặc sắc, quen thuộc không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đến nay, mặc dù có những điệu múa cổ, cũng có những điệu múa còn mới mẻ… nhưng tất cả đã trở thành niềm tự hào, là món ăn tinh thần không thể thiếu của bao thế hệ người dân Khánh Tiên và là nỗi nhớ nhung khắc khoải của người Khánh Tiên xa xứ đặc biệt trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Thuở ấy, các loại hình giải trí để bà con lựa chọn sau một ngày lao động vất vả còn ít lắm. Bởi thế, nên mỗi dịp làng tổ chức hội múa trống thì bà con đủ mọi thành phần, lứa tuổi đều háo hức tham gia. Bọn trẻ con thì hân hoan từ buổi chiều, chập tối chúng cố hoàn thành thật nhanh phần việc nhà và làm nốt vài bài tập cô giáo giao để cùng cha mẹ đi xem múa trống. Các cụ cao tuổi thì áo the, khăn xếp thật chỉnh tề.
Trước khi đội múa trống bắt đầu biểu diễn, các cụ thay mặt cho bà con trong làng, xã thành kính thắp nén tâm nhang vào Đình làng để lễ, tạ ơn đức vua Triệu Việt Vương đã ban cho dân làng được ấm no, an bình. "Lần nào làng mở hội múa trống, các cụ cao niên cũng ăn mặc chỉnh tề như thế, bởi với các cụ thì chiếc trống gần gũi, thân quen nhưng cũng rất linh thiêng tựa bảo vật của quê hương" - ông Nguyễn Văn Sơn, một nghệ nhân múa trống có "thâm niên" của làng nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, có nhiều dịp để làng mở hội múa trống, song với ông thì dịp múa trống vào tháng 9 âm lịch, đó là thời điểm vừa thu hoạch xong lúa mùa là ấn tượng nhất. Dưới ánh trăng vằng vặc như dát bạc, người dân mọi lứa tuổi tập trung ra sân đình làng để xem múa trống. Sau tuần hương của các cụ cao tuổi, đội múa bắt đầu biểu diễn. Tiếng trống lúc nhẹ nhàng, khi quyết liệt như thúc giục. Mùi thơm của rơm nếp mới quện cùng cái mùi ngai ngái, lành lạnh của tiết trời cuối thu… tạo nên một cảm xúc chẳng thể nào quên với ông Sơn và nhiều người dân Khánh Tiên.
Với sức sống bền bỉ, ban đầu, múa trống chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội của làng quê Khánh Tiên, sau này khi mọi người đã truyền dạy và luyện tập cho nhau theo lối truyền khẩu thì dần dần múa trống trở thành hình thức sinh hoạt của cả cộng đồng được người dân rất yêu thích.
Tuy vậy, khi các loại hình giải trí tràn ngập thì đội múa trống của Khánh Tiên tan rã. Bao nhiêu năm qua, dù cho bận rộn với cuộc sống mưu sinh, song người dân Khánh Tiên vẫn nhớ quay quắt tiếng trống rộn ràng. Năm 1980, những người dân Khánh Tiên quyết tâm đưa tiếng trống trở lại với đời sống văn hóa tinh thần của mình. Những cụ cao tuổi biết múa trống đã đến tận nhà bà Nguyễn Thị Hoài và vài chị em phụ nữ đam mê múa trống để vận động tham gia vào CLB trống của xã. Sẵn niềm đam mê, bà Hoài vui vẻ nhận lời và tự hào đây chính là cơ duyên đưa bà đến với môn nghệ thuật độc đáo này.
Cũng giống đội múa trống xưa, đội hình múa trống ngày nay gồm 12 người: 1 trống cái, 4 trống con, 2 não bạt, 2 mõ, 1 chiêng, 1 đạo diễn và 1 người chỉ huy trống con ngoài sân khấu. Bà Hoài nói rằng, khác với đánh trống thông thường, khi múa trống, tiếng trống được hòa quyện cùng với những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng của những người biểu diễn. Động tác của cơ thể người biểu diễn được kết hợp hài hòa với nghệ thuật diễn xuất và nhạc đệm làm nên những nét văn hóa rất đặc trưng của nghệ thuật múa trống. Tuy nhiên, bên cạnh sự khéo léo, uyển chuyển, người múa trống còn phải có khả năng cảm nhận trống tốt, có sức khỏe dẻo dai, bởi người múa trống cũng cần có những động tác mạnh mẽ, dứt khoát. Để thuần thục được các điệu múa trống khó như: xoanh trống, nhảy qua trống... thì những "lính mới" như bà Hoài phải tập luyện cả tháng trời. Việc nhà nông bận rộn quanh năm, song chị em trong CLB vẫn tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để say sưa tập luyện.
Niềm đam mê của các thành viên trong CLB múa trống được tiếp thêm sức mạnh bởi sự động viên, khích lệ rất kịp thời về vật chất và tinh thần của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiên nói: Múa trống dân gian được sinh ra từ khối óc và trái tim của nhân dân, sống trong nhân dân và tồn tại lâu dài trong văn hóa làng quê. Bởi vậy, gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này được xác định là nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và nhân dân Khánh Tiên. Hàng năm, xã đều trích kinh phí từ 10-15 triệu đồng để ủng hộ cho CLB. Ngoài ra xã còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động để thế hệ trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê và đến với CLB múa trống.
Hiện nay, tại xã Khánh Tiên, ngoài CLB múa trống của xã, Khánh Tiên còn duy trì được 2 CLB múa trống khác đó là CLB múa trống của Hội phụ nữ, CLB múa trống ở xóm 4. Các CLB múa trống đã từng tham gia biểu diễn phục vụ các lễ hội của địa phương, tham gia biểu diễn tại các kỳ Hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện và đã giành giải cao. Điển hình như CLB múa trống từng đoạt Huy chương Vàng tại hội diễn cấp tỉnh năm 1998 và 2013. Năm 2006, múa trống ở Khánh Tiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành sưu tầm để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa.
Bài, ảnh: Đào Hằng