Ngày 22-5-2015 vừa qua, Toàn án nhân dân tỉnh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Thị Thúy (giáo viên trường tiểu học Gia Trung, Gia Viễn) với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, do nắm bắt được tâm lý của những người có con em sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp muốn xin việc tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là cơ quan Nhà nước nên mặc dù bản thân không có khả năng xin được việc làm cho những người có nhu cầu nhưng Lê Thị Thúy đã đưa ra những thông tin là mình có nhiều mối quan hệ với những người có chức vụ, quyền hạn trong tỉnh, có khả năng xin được việc làm tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Nếu ai có nhu cầu thì nộp hồ sơ và đưa trước tiền để Thúy xin việc.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền và hồ sơ, Thúy đã không xin việc cho họ mà lấy tiền để chi tiêu cá nhân. Bằng thủ đoạn đó Lê Thị Thúy đã làm cho làm cho 15 người tin tưởng và chiếm đoạt của họ với số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Tại phiên tòa, Lê Thị Thúy đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Ngoài mức án 14 năm tù, Tòa án Nhân dân tỉnh cũng buộc Lê Thị Thúy phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho người bị hại.
Ngày 29-8-2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Sen, sinh năm 1970, trú tại thôn La Mai, huyện Hoa Lư, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2014 đến tháng 7-2015, Nguyễn Thị Sen đã thông tin có mối quan hệ với lãnh đạo nhiều sở, ngành trong tỉnh, có khả năng xin việc vào các ngành y tế, giáo dục.Sen đã nhận 10 hồ sơ và tiền của ông Phạm Văn Hồng (trú tại thôn 20, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh,) và 9 người khác cũng tại xã Khánh Trung, chiếm đoạt số tiền trên 2 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh, do nhu cầu của gia đình, giữa năm 2014, ông Phạm Văn Hồng nhờ Nguyễn Thị Sen xin việc cho con gái.Trong quá trình ông Hồng trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với Sen, Sen có nói với ông Hồng là quen biết nhiều cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đặc biệt là quen rất nhiều giám đốc các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.
Tin vào lời Sen, ông Hồng đã gom số tiền 267 triệu đồng đưa cho Sen để xin việc cho con gái. Trong thời gian này, ông Hồng đã thông tin đến nhiều người là anh em trong họ hàng, người thân về vụ việc này. Sau đó, có tới 9 gia đình đã thông qua ông Hồng để nhờ Sen xin việc, chuyển công tác cho con em, người thân của mình.
Toàn bộ các trường hợp nhờ xin việc đều được Sen chấp nhận và hứa hẹn trong vòng nửa năm sẽ xin được việc cho họ. Thông qua ông Hồng, tổng số tiền Sen nhận từ các gia đình lên tới trên 2 tỷ đồng. Gia đình ít nhất 80 triệu đồng, nhiều nhất lên đến 315 triệu đồng.
Quá trình giao dịch tiền đều có giấy biên nhận do Sen ký tên. Tuy nhiên, đến thời hạn theo lời Sen, con em của những người gom tiền nhờ xin việc vẫn chưa có việc làm. Nghi ngờ về khả năng xin việc giúp của Sen, người dân đã thúc giục ông Hồng và Sen thực hiện đúng như cam kết.
Sau nhiều lần bị thúc giục, Sen đã đem 6 tờ quyết định tuyển dụng công chức, viên chức do Giám đốc Sở Y tế ký tên, đóng dấu đưa cho 6 gia đình tại xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh. Tuy nhiên, do thể thức văn bản cũng như mẫu dấu, chữ ký không rõ ràng nên người dân đã nghi ngờ đây đều là những quyết định giả. Sau đó, người dân đã trình báo lên chính quyền địa phương cũng như cơ quan công an về vụ việc. Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng mở rộng điều tra làm rõ.
Với hành vi lừa đảo đã gây ra, nhiều đối tượng đã phải nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, hầu hết các nạn nhân đều chưa nhận được tiền bồi thường, bởi số tiền do lừa đảo mà có, các đối tượng đã sử dụng vào mục đích cá nhân hết. Mong rằng, từ những vụ lừa đảo xin việc như trên, mỗi người dân hãy nêu cao cảnh giác để tránh mắc bẫy.
Nguyễn Khánh