Cửa hàng tạp hóa của anh đang đông khách, thu nhập cũng đều đều, vậy mà gần đây anh Trung ít quan tâm đến bán hàng, thường xuyên tìm mối chạy giấy tờ đi lao động ở nước ngoài. Bởi theo anh, nếu ôm cái quầy hàng tạp hóa thì chỉ đủ ăn. Muốn giàu thì phải đi nước ngoài, mặc cho bố mẹ can ngăn nhưng anh đã quyết, khó khăn mấy cũng đi.
Phân tích thiệt hơn, lợi hại cũng không lay chuyển được ý chí của con trai, bố mẹ anh đi sâu tìm hiểu mới biết: Cách đây 2 tháng, trong lần đi Hà Nội, Trung tình cờ quen biết với một người đàn ông, tuy gặp lần đầu nhưng Trung đã bị "choáng" trước phong cách làm việc hiện đại của anh ta: Nhanh nhẹn, tháo vát, giải quyết công việc bằng điện thoại di động và máy tính xách tay. Cầm tấm "Các vidít", Trung mới biết anh ta là trưởng phòng kinh doanh của một trung tâm môi giới xuất khẩu lao động. Anh ta nói chuyện, hỏi han và tỏ ra rất thông cảm, đồng thời hứa sẽ giúp Trung đi xuất khẩu lao động với chi phí như "người trong nhà". Mới chỉ có vậy, anh ta đã thuyết phục được Trung đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc với chi phí khoảng 9.000 USD. Để tạo lòng tin, anh ta dẫn Trung đến văn phòng Trung tâm XKLĐ ở phố Láng Hạ, Hà Nội làm các thủ tục đăng ký. Thời gian lao động là 3 năm, lương tháng từ 1.200 - 1.500 USD, còn làm thêm ngoài giờ, mỗi ngày 50 USD nữa. Với kiểu "tính cua trong lỗ", Trung nhủ thầm chưa đầy 1 năm đã gỡ lại toàn bộ vốn, sau đó làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu! Giấc mơ muốn làm giàu nhanh chóng và chiếc "bánh vẽ" quá to mà anh ta vẽ ra đã khiến Trung như bị thôi miên, không hề suy xét gì!
Sau khi vay mượn để nộp đủ "phí" xuất ngoại, phải chi phí tiền để học tiếng Anh, tiếng Hàn, ăn ở, giấy tờ hơn chục nghìn USD nhưng vẫn chưa có giấy báo. Chờ đợi năm tháng rồi một năm, nhiều lần đi lại, giục giã tốn kém thêm bao nhiêu tiền song Trung chỉ nhận lời động viên: Sắp rồi, sắp có "cô ta" về rồi, chuẩn bị sẽ đi...
Hơn một năm trôi qua, Trung như đứng trên đống lửa, bỏ cả làm ăn, số tiền quá lớn vay mượn đầu tư đi XKLĐ khiến Trung lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Trong khi cam kết của trung tâm là nếu 1 năm không đi được sẽ trả lại tiền. Trung và gần chục người cùng cảnh ngộ đến đòi thì họ khất, khất mãi không được thì họ trốn, đến khi trốn cũng không được thì họ cùn: Tiền đã tiêu hết, muốn là gì thì làm?
Mất tiền tiếc của, Trung phải nhờ đến sự can thiệp của công an, mới thu lại được khoảng 2/3 khoản tiền đã nộp. Số còn lại họ nói đã chi cho việc đi nước ngoài làm thủ tục, không thể hoàn lại, điều này đã ghi trong hợp đồng, vì quá vội vàng Trung không đọc kỹ điều đó...!
Vậy là chỉ vì quá tin vào những lời dụ dỗ ngon ngọt của những kẻ lừa đảo, Trung rơi vào cảnh "xôi hỏng, bỏng không". Câu chuyện này cùng là bài học cho những ai còn quá mơ mộng, ảo tưởng làm giàu thật nhanh và không có sự tính toán kỹ.
Nguyễn Bình (Công an tỉnh)