Vụ điển hình là ông Nguyễn Văn B, ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, có một căn nhà nhỏ, vì cần tiền trang trải việc gia đình, ông đã rao bán căn nhà trên báo. Do tình hình đất đai nhà cửa trầm lắng, ít người hỏi mua, hai tháng sau mới có người hỏi đến. Người hỏi mua là nam giới, giọng bắc, rất thiện chí và xởi lởi, ông bán căn nhà là 1,2 tỷ đồng, người thanh niên đó trả ngay 1,1 tỷ đồng. Chủ nhà đồng ý bán, hai bên trao đổi khá thân tình, thống nhất về giá cả xong, bên mua kêu chủ nhà cho xem giấy tờ nhà, sau đó cho xin bộ phô-tô-co-py sổ đỏ và toàn bộ giấy tờ tùy thân của chủ nhà, nói là đi lên phường để hỏi về tính hợp pháp của sổ đỏ và xem căn nhà có nằm trong phần quy hoạch hay không. Sau mấy ngày đối tượng quay lại, đồng ý hẹn ngày đặt cọc, lợi dụng lúc chủ nhà sơ hở, đối tượng đánh tráo bộ giấy tờ giả lấy bộ hồ sơ thật. Toàn bộ giấy tờ tùy thân và sổ đỏ bản chính của chủ nhà đã rơi vào tay đối tượng. Do chủ nhà không ở trên căn nhà đang bán (căn nhà đang bán chỉ là nhà cấp 4) giá trị chủ yếu là quyền sử dụng đất, vì vậy khi đối tượng dẫn khách đến bán căn nhà khá dễ dàng. Tất cả hồ sơ là bản chính thật, chỉ có ảnh chứng minh thư của chủ nhà được thay bằng ảnh của đối tượng, và bán với giá 600 triệu đồng. Việc mua bán được diễn ra đúng quy định tại phòng công chứng. Sau đó, chủ nhà phát hiện cặp vợ chồng trẻ "hồn nhiên" sở hữu căn nhà của họ. Họ kiện và đi giám định giấy tờ. Kết quả giám định cho thấy sổ đỏ của họ là giả.
Tại phường 10, quận Phú Nhuận, bà Nguyễn Thanh An đăng tin bán ngôi nhà giá 6,5 tỷ đồng. Sau một thời gian rao bán nhưng không có người mua, bà đăng tin cho thuê với giá 15 triệu đồng/tháng. Sau đó, có một người phụ nữ thuê nhà với giá 14 triệu đồng và cũng với cách làm như trên, thị đã bán trót lọt ngôi nhà nói trên với giá ba tỷ đồng.
Bà Ðỗ Thị Nhuận là chủ nhà tại số 89/18 đường Hùynh Văn Bánh, quận Phú Nhuận cho biết, do khó khăn, bà phải vay bà Nguyễn Thị Vi 250 triệu đồng để các con làm ăn sinh sống. Do làm ăn thua lỗ không trả được tiền lãi và tiền vay, bà Vi giới thiệu bà Trần Thị Minh, vì bà Minh cho biết bà quen biết ông Hồ Hải Hớn, Giám đốc Công ty xuất, nhập khẩu cà-phê và nói rằng: Ông Hớn được ngân hàng duyệt cho vay 20 tỷ đồng, nếu bà Nhuận sang tên sổ đỏ cho ông Hớn, ông Hớn sẽ đưa hồ sơ nhà chuyển vào hồ sơ của công ty ông vay vốn ngân hàng. Ông Hớn sẽ vay cho gia đình bà 400 trăm triệu đồng với lãi suất ngân hàng quy định.
Vì mong có tiền trả cho bà Vi, bớt phần lãi suất vay nóng, bà Nhuận đã sang tên công chứng sổ đỏ cho ông Hớn tại phòng công chứng. Sau khi bà sang tên cho ông Hớn ngày 27-6-2012, ông Hớn nộp thuế sang tên sổ đỏ cho mình. Ðầu tháng 7-2012 ông Hớn không mang sổ đỏ vay ngân hàng mà đưa đến tiệm cầm đồ tại đường Cách Mạng Tháng Tám để thế chấp vay tiền. Chủ tiệm cầm đồ nhiều lần đến thẩm tra lại xem đây có phải là tài sản của ông Hớn hay không, nhưng với trò lừa đảo tinh vi ông Hớn dặn dò rất kỹ bà Nhuận là: Nếu có ai hỏi thì bà nói rằng đang thuê nhà ông Hớn chứ không phải là nhà của bà. Khi tiệm cầm đồ nhiều lần đến thẩm tra lại nhà, bà Nhuận đều nói rằng, đây là nhà bà thuê của ông Hớn.
Chủ tiệm cầm đồ đồng ý cho ông Hớn vay 1,2 tỷ đồng, ông Hớn đã sang tên cho chủ tiệm cầm đồ tại phòng công chứng với bản hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ðã quá hạn sáu tháng mà ông Hớn không trả được tiền cho chủ tiệm cầm đồ, vì cần vốn làm ăn, với mối quan hệ với ngân hàng, chủ tiệm cầm đồ đã nhanh chóng thoát khỏi mớ "bòng bong" là thế chấp căn nhà này cho ngân hàng thu hồi tiền của mình. Không hiểu biết pháp luật, giờ đây bà Nhuận đang đứng trước nguy cơ mất nhà: giá trị căn nhà của bà được ngân hàng định giá hai tỷ đồng, ông Hớn vay tiệm cầm đồ 1,2 tỷ đồng, tiệm cầm đồ vay ngân hàng 1,3 tỷ đồng.
Luật sư Trần Quang Thiều, Trưởng văn phòng công chứng Toàn Tâm cho biết: Trong trường hợp này, bà Ðỗ Thị Nhuận khó có thể lấy được nhà, vì tên đã sang cho ngân hàng là giao dịch thứ ba. Hợp đồng công chứng có giá trị về mặt pháp lý, nếu giám định chữ ký của bà là thật, bà tự nguyện ký, không ai ép buộc và khống chế bà ký thì bản hợp đồng hoàn toàn có hiệu lực. Giấy viết tay giữa bà Nhuận và ông Hồ Hải Hớn chỉ có giá trị cam kết cá nhân. Căn nhà bà đang ở sẽ phải trả cho ngân hàng, còn việc bà sẽ phải thực hiện các thao tác tại cơ quan công an để tố cáo tội lừa đảo của Hồ Hải Hớn lại là bước tiếp theo.
Ðồng chí Ngọc Ẩn, Ðội trưởng đội 8, PC 45 Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù các phương tiện truyền thông luôn nhắc nhở người dân cần đề phòng cảnh giác các trò lừa đảo, nhưng hầu như số lượng các vụ việc như trên không hề giảm, và ngày càng tinh vi hơn. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổ trưởng tổ dân phố hộ dân cư 203 Nguyễn Trãi, quận 1 cho rằng: Cần thiết có chương trình tuyên truyền gần và sát với người dân về vấn đề nêu trên như: Ðưa lên loa phường, xã, trao đổi trong họp tổ dân phố; các phương tiện truyền thông nên dành một thời lượng nhất định tuyên truyền sâu và rộng về vấn đề này.
Theo Nhandan