Tuần qua, dư luận trên địa bàn thành phố Ninh Bình xôn xao bởi vụ trọng án giết người xảy ra tại phường Vân Giang (Thành phố Ninh Bình). Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng làm một người chết tại chỗ và một người bị thương nặng. Ngay khi nhận được tin báo, Công an thành phố Ninh Bình đã triển khai lực lượng, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tiến hành điều tra truy xét.
Kết quả, đến 1h ngày 18-4-2014 đã bắt giữ đối tượng Ninh Trung Tú, sinh ngày 5-4-1998, trú tại thôn 5, xã Đông Sơn, Thị xã Tam Điệp, khi Tú đang chuẩn bị bỏ trốn vào miền Nam. Chỉ sau 26 giờ gây án, thủ phạm đã sa lưới pháp luật. Điều đau xót qua vụ trọng án này, đó là hung thủ giết người mới chỉ tròn 16 tuổi. Đây lại là hồi chuông gióng lên cảnh báo về tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội, làm nhức nhối lương tâm và dư luận xã hội.
Tìm hiểu về thực trạng trẻ vị thành niên phạm tội, theo số liệu của Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình, năm 2012, Tòa án nhân dân thành phố giải quyết 192 vụ án hình sự, trong đó có 14 vụ với 26 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội; năm 2013 đã giải quyết 174 vụ án hình sự, trong đó có 9 vụ với 20 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội. Các bị cáo phạm tội chủ yếu là trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản.
Nguyên nhân là do các bị cáo thiếu sự quan tâm sát sao của gia đình, ăn chơi đua đòi, có lối sống buông thả, thiếu ý chí học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Để có tiền tiêu sài, các bị cáo đã phạm tội trộm cắp hoặc cướp giật tài sản, một số trường hợp do người đã trưởng thành xúi giục cùng phạm tội.
Một thực tế hiện nay cũng rất đáng quan tâm và được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ án đau lòng. Đó là tình trạng "nghiền" internet và ham chơi điện tử trong một bộ phận giới trẻ. Ninh Trung Tú, thủ phạm giết người gây rung động dư luận tuần qua, sau khi bị bắt đã khai nhận, do ham chơi điện tử, không có tiền nên nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Bị phát hiện, Tú vớ ngay con dao nhọn ở đầu giường đâm liên tiếp vào chủ nhà rồi chạy trốn, gây ra thảm án thương tâm, một người chết và 1 người bị trọng thương.
Còn nhiều vụ án khác đã được xét xử, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên cũng do đua đòi ăn chơi, nghiền internet, thiếu sự quan tâm sâu sát của gia đình. Điển hình là vụ án "cướp tài sản" xảy ra trên đoạn đường Ngô Gia Tự, phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình tháng 11-2012, các bị cáo phạm tội đều ở tuổi vị thành niên. Đáng lưu tâm trong vụ án này, người khởi xướng việc đi cướp tài sản để lấy tiền tiêu sài là Đào Thái Vũ, phạm tội khi chưa đủ 15 tuổi.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình, Đào Thái Vũ, Bùi Văn Phong, Đào Xuân Khôi và Đào Sỹ Vũ có quan hệ bạn bè và thường hay bỏ nhà đi lang thang tụ tập chơi bời với nhau. Do hết tiền ăn tiêu nên Đào Thái Vũ rủ Phong và Khôi đi cướp tài sản của những người đi bộ thể dục vào buổi sáng sớm. Phong và Khôi đồng ý.
Khoảng 4 h 30 phút ngày 6-11-2012, trên đoạn đường Ngô Gia Tự thuộc phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình, các bị cáo Đào Thái Vũ, Đào Xuân Khôi đã có hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt đôi khuyên tai bằng vàng của bà Đỗ Thị T. ở phường Nam Bình đang đi bộ một mình. Sau khi chiếm đoạt tài sản của bà T, cả hai lên xe mô tô do Bùi Văn Phong điều khiển nhanh chóng tẩu thoát.
Hành vi của các bị cáo Đào Thái Vũ, Bùi Văn Phong, Đào Xuân Khôi đều phạm tội "cướp tài sản". Tài sản cướp giật sau đó được đưa cho Đào Sỹ Vũ, là một thành viên trong nhóm mang đi bán cho một tiệm vàng ở thành phố Ninh Bình với số tiền 7.680.000 đồng, sau đó cùng nhau ăn tiêu hết số tiền trên.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến tài sản của công dân và trật tự công cộng. Ngày 5-6-2013, Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình đã xét xử và tuyên bố, các bị cáo Đào Thái Vũ, Bùi Văn Phong, Đào Xuân Khôi đều phạm tội "cướp tài sản"; xử phạt Đào Thái Vũ 18 tháng tù; Đào Xuân Khôi 27 tháng tù; Bùi Văn Phong 18 tháng tù. Xử phạt Đào Sỹ Vũ 12 tháng cải tạo không giam giữ do phạm tội "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Qua vụ án trên cho thấy, cả 4 bị cáo đều phạm tội ở tuổi chưa thành niên, bị cáo Đào Thái Vũ nhỏ tuổi nhất, phạm tội khi chưa đủ 15 tuổi. Các bị cáo thường hay bỏ nhà đi lang thang, tụ tập, chơi bời lêu lổng, thiếu tiền tiêu sài dẫn đến phạm tội. Điều này đặt ra trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con cái, đừng để đến khi con trẻ phạm tội thì đã muộn.
Làm gì để ngăn chặn tình trạng phạm tội ở trẻ vị thành niên, đây là câu hỏi đặt ra cho các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đối với lứa tuổi này, các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, nên môi trường sống và gia đình, xã hội có tác động rất quan trọng, bởi đa số trẻ vị thành niên phạm tội là do thiếu hụt giáo dục trong gia đình và nhà trường.
Do đó, một trong những biện pháp được coi trọng là tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên.
Các cấp bộ đoàn cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến. Lực lượng công an cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên, học sinh. Cùng với đó, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý văn hóa phẩm, phim ảnh và Internet. Vì tương lai con em chúng ta, mỗi gia đình hãy quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục và quản lý con em mình, kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để các em bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội.
Phạm Thị Tuyết
(Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình)