Cuối năm 2011, nghe bạn bè kháo nhau, sang Trung Quốc làm thuê được trả tiền công cao, không cần phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ và học tiếng, lại được tự chọn việc phù hợp với mình, chỉ cần nộp cho môi giới từ 4 đến 7 triệu đồng. Bùi Văn Tuấn ở thôn Lạc Bình quyết định đi một chuyến, hy vọng có cơ may đổi đời. Sau khi được người môi giới đưa đến của khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Tuấn và một số người được một người đón và đưa sang Trung Quốc. Kể từ khi đặt chân sang Trung Quốc, Tuấn bị chuyển làm việc qua nhiều công ty, công việc không ổn định, lương thấp, vất vả, cuộc sống mất tự do. Rồi trong 1 lần chuyển nơi làm việc, Tuấn bị cảnh sát Trung Quốc bắt giam vì xuất cảnh trái phép. Khi bị bắt giam không có ai bảo lãnh, người môi giới không chịu trách nhiệm nên sau 3 tháng bị giam Tuấn trở về nước với hai bàn tay trắng. Nhưng, giờ đây với Tuấn được về đoàn tụ với gia đình là may mắn lắm rồi.
Cũng nghe theo lời của một người quen trong xã nói đi làm ăn bên Trung Quốc lương cao, thủ tục đơn giản nên Nguyễn Thị L ở xóm Lải, xã Thạch Bình đã để lại con cho mẹ già trông nom, sang Trung Quốc làm ăn tích lũy ít vốn để nuôi mẹ và con trai. Thế nhưng, sau khi sang Trung Quốc, chị đã bị ép bán để làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc mà không được hưởng một đồng tiền nào. Người môi giới sau khi bán L lấy hơn 100 triệu đồng đã cao chạy xa bay, để L nơi đất khách quê người với bao nỗi tủi hờn. Khi L có thai với người đàn ông Trung Quốc, ngày sinh nở do sức yếu cộng với buồn chán chị mắc bệnh và liệt nửa người. Gia đình người chồng Trung Quốc đã cho chị và đứa bé về Việt Nam chữa bệnh. Ôm con về quê hương nhưng trong lòng L thật tủi hổ, xót xa.
Không chỉ anh Tuấn, chị L mà hàng trăm lao động ở xã Thạch Bình đang có chung một giấc mơ là được đổi đời, hy vọng có thu nhập cao hơn để cuộc sống bớt khốn khó. Những người dân ở đây cho biết, từ năm 2010, một số lao động địa phương nghe theo bọn môi giới đã bắt đầu xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Tiếp xúc với những người đi lao động trái phép hoặc thân nhân của họ thì hầu hết là do được một người môi giới trực tiếp nói sẽ giúp họ sang Trung Quốc để làm ăn mà không cần phải có giấy tờ, hộ chiếu... Thấy có người sẵn sàng giúp đỡ mà không cần điều kiện, cũng chẳng phải bàn bạc kỹ, mọi người nhanh chóng nộp tiền và theo chỉ dẫn của người môi giới, đi xe khách đến cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh sẽ có người đón rồi đưa sang bên kia biên giới. Từ đó, những người đi xuất khẩu lao động trái phép không được các cơ quan chức năng về quản lý lao động nước ngoài bảo vệ lợi ích hợp pháp, nên bị đối xử không công bằng, bị quản lý nghiêm ngặt về đi lại và thời gian, dễ bị lôi kéo, mua chuộc.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nguồn lao động ở địa phương khá dồi dào, nhưng phần lớn vẫn là lao động phổ thông, chất lượng lao động thấp nên khó đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu lao động chính ngạch vì phải đóng mức chi phí cao, phải có trình độ ngoại ngữ, tay nghề theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Vì vậy, cách đi lao động tự do trái phép ở nước ngoài đang được nhiều người lựa chọn mà không biết phía trước tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro đáng tiếc.
Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng lao động xuất cảnh trái phép, cùng lực lượng công an thì cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã thạch Bình cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động. Vận động những gia đình có con em đi nước ngoài bất hợp pháp về nước. Đối với những lao động tự do đi theo kênh môi giới cần có biện pháp ngăn chặn, quản lý hộ tịch, hộ khẩu. Song, vấn đề cốt lõi vẫn là cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nghiên cứu tạo công ăn việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi ở địa phương để họ có thể làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Linh Huệ