Cảnh báo tình trạng cháy nổ tại địa bàn khu dân cư
Thứ Tư, 07/04/2021, 09:47
Zalo
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Một trong những nguyên nhân khiến người dân thiệt mạng trong các vụ cháy trên mà cơ quan chức năng xác định là do nhà ở các hộ gia đình này không có lối thoát hiểm, cửa chính là cửa ra vào duy nhất. Đây là hồi chuông cảnh báo cho thấy sự nguy hiểm khi có cháy nổ xảy ra mà không có cửa thoát nạn.
Cảnh báo tình trạng cháy nổ tại địa bàn khu dân cư
Khó thoát nạn với hàng rào "chuồng cọp"
Hẳn nhiều người vẫn còn hết sức bàng hoàng khi nghe thông tin về vụ cháy xảy ra ngày 30/3 tại phường Cát Lái, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh làm chết 6 người; vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra vào hồi 00h25 ngày 4/4 tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội làm chết 4 người...
Trên địa bàn tỉnh ta, đến nay tuy chưa xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng thực tế cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, nhất là đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, khi thời tiết đang chuẩn bị bước sang mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt ngày càng tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCCC. Bên cạnh đó, việc bố trí lối thoát hiểm ở các hộ gia đình chưa được chú trọng.
Theo quan sát của phóng viên tại nhiều khu dân cư, để bảo vệ an toàn trong việc chống trộm, nhiều hộ gia đình đã bắn rào sắt kín xung quanh nhà theo mô hình "chuồng cọp" và chỉ để một lối ra vào duy nhất là cửa chính; trong khi đó chủ yếu các gia đình thường xây dựng nhà theo mô hình nhà ống, diện tích nhỏ, hẹp... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi có cháy nổ xảy ra.
Phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) được xác định là địa bàn trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao tại khu vực dân cư, nhất là tại tuyến đường Phan Đình Phùng. Trên tuyến đường này, có khoảng trên 60 ki-ốt, hộ kinh doanh mặt hàng vải vóc, quần áo, hàng mã... Đây là các mặt hàng rất dễ cháy.
Bên cạnh đó, tuyến đường này nhỏ hẹp, diện tích các nhà chật chội, hàng bày bán tràn lan, phông bạt che chắn kín; nhiều gia đình không có lối thoát hiểm; xe máy, ô tô để lấn chiếm lòng đường khiến việc thoát nạn cũng như công tác tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra gặp nhiều khó khăn.
Đại úy Đinh Ngọc Thủy, Công an phường Vân Giang cho biết: Xác định được các nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra tại địa bàn, thời gian qua Công an phường Vân Giang đã chủ động đến từng hộ dân tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác về PCCC. Yêu cầu các hộ ký cam kết an toàn phòng cháy và mỗi hộ kinh doanh phải có ít nhất 1 bình chữa cháy; đồng thời thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc PCCC thực tế tại cơ sở. Qua kiểm tra đã yêu cầu các hộ dân mở cửa thoát hiểm để khi có sự cố xảy ra thì có thể thoát nạn kịp thời.
Nhiều hộ gia đình rào sắt kín theo mô hình "chuồng cọp" để chống trộm, nhưng gây khó khăn cho công tác thoát nạn
Ý thức tự giác của người dân vẫn là biện pháp phòng ngừa tốt nhất
Để chủ động phòng ngừa, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, đặc biệt là đối với khu dân cư, loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Giám đốc Công an tỉnh đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh cho biết: Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với Công an các huyện, thành phố rà soát, đánh giá, phân loại khả năng cháy nổ ở các khu dân cư và việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC các khu dân cư. Trên cơ sở đó có biện pháp tuyên truyền phù hợp để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.
Tổ chức thực tập các phương án chữa cháy tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu dân cư trọng điểm; hướng dẫn Công an các huyện, thành phố và chính quyền địa phương thực hiện công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại các khu dân cư tập trung, địa bàn có nhiều hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán để chủ động phát hiện, khắc phục những sơ hở dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy, nổ và bố trí lực lượng tuần tra, canh gác phát hiện và dập tắt kịp thời các đám cháy từ khi mới phát sinh.
Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác, thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng của các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và CNCH, hệ thống thông tin liên lạc để khắc phục những hỏng hóc, sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, ý thức tự giác của người dân vẫn là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến nghị người dân không dự trữ chất dễ cháy, xăng dầu, khí đốt trong nhà. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu. Không sạc điện thoại, xe đạp điện, sạch dự phòng và các thiết bị tiêu thụ điện qua đêm.
Khóa van bình gas và đóng van bếp; lắp đặt thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn; bố trí nơi thờ cúng hợp lý;
Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, tắt thiết bị điện không cần thiết; ô tô, xe máy, phải cách xa bếp đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt và không cản trở đường lối thoát nạn.
Khi xảy ra cháy cần thực hiện theo các bước: báo động cháy; ngắt điện; chữa cháy tại chỗ đồng thời gọi cứu hỏa.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa thiệt hại về người và tài sản khi có cháy nổ xảy ra, người dân không nên làm các lồng sắt kín xung quanh nhà, trường hợp đã lắp thì nên bố trí cửa thoát hiểm có chốt trong và không được khóa; các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa; chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát, không để đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.
Các thành viên trong gia đình phải trang bị các kiến thức về PCCC, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, chống ngạt khói trong điều kiện cháy và dự kiến các tình huống cháy xảy ra để đề ra các biện pháp chữa cháy, thoát nạn kịp thời, hiệu quả và đảm bảo an toàn.
Khi xảy ra cháy phải tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho Cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114 hoặc Công an xã, phường gần nhất. Đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy tại chỗ và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.
Có thể thoát nạn theo biển chỉ dẫn; thoát theo đường hành lang, cầu thang bộ, mái nhà; đi khom lưng và sử dụng khăn ướt che mặt; không mở khi cửa ấm, đóng các cửa đang mở tránh; khi bị bén lửa nằm ngay xuống đất và lăn qua.