Mặc dù trên địa bàn tỉnh ta chưa xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến dựng rạp tổ chức sự kiện dưới lòng, lề đường nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng người dân sử dụng vỉa hè, lòng đường tổ chức tang lễ, cưới hỏi, lễ khai trương... vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ thiếu chú ý quan sát, không xử lý kịp thời tốc độ là có thể dẫn tới những hậu quả khó lường; đáng nói đến là trong đó có cả gia đình các cán bộ, đảng viên, công chức vẫn làm rạp dài, rộng có khi hết cả phần đường đi lại, gây bức xúc trong nhân dân.
Đại diện Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Các trường hợp cá nhân, hộ gia đình có đám ma, đám cưới, chỉ được sử dụng tạm thời một phần hè phố theo Điều 25a, Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong trường hợp: Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ. Việc tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình, thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ. Trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố, hộ gia đình phải thông báo với UBND phường, xã nơi tổ chức sự kiện. Việc sử dụng một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự ATGT.
Theo Khoản 4, Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định: Hành vi dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong trường hợp việc dựng rạp trái phép trên hè phố, lòng đường được xác định là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông, tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc, cá nhân thực hiện vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261 Bộ luật Hình sự.
Thiết nghĩ, cùng với việc thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT thì việc tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm dựng rạp lấn chiếm lòng, lề đường của các lực lượng chức năng cần thực hiện kiên quyết hơn, góp phần giữ gìn TTATGT trên địa bàn, hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bài, ảnh: Diệu Linh