Các loại quảng cáo xuất hiện tràn lan và được in bằng đủ màu sắc, nhiều mẫu mã, được treo, dán khắp nơi với những nội dung như: cho vay tiêu dùng, dịch vụ làm đẹp, gia sư, tuyển người làm, song nhiều nhất là những mẫu quảng cáo về bán đất, cho vay tiền…
Nhiều tờ quảng cáo còn in rõ số điện thoại dán nối nhau chi chít. Vị trí thường được lựa chọn để dán tờ rơi, quảng cáo là những tuyến đường có lưu lượng người qua lại, khu vực đông dân cư để thông tin quảng cáo dễ "đập" vào mắt người dân. Không chỉ tại các trụ điện, trạm dừng xe búyt, cột đèn chiếu sáng, biển báo giao thông…, mà việc treo, dán quảng cáo còn "nhắm" tới các tường rào nhà người dân, thậm chí nhiều hàng cây xanh cũng bị biến thành… nơi dán "biển quảng cáo".
Luật Quảng cáo năm 2012, ngoài việc cấm quảng cáo đối với một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên…, còn quy định cụ thể các hành vi bị cấm đó là cấm treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng; Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép; Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh…
Theo quy định tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP, việc phát tờ rơi, dán quảng cáo sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể: Hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng sẽ bị phạt: Từ 1 - 2 triệu đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Quy định cấm và hình thức xử phạt đã rõ ràng, nhưng tình trạng treo, dán quảng cáo tại nơi công cộng vẫn diễn ra tràn lan. Nguyên nhân của thực trạng trên là do ý thức của nhiều cá nhân, doanh nghiệp còn thấp; vì lợi ích riêng đã bất chấp các quy định khi thuê người để treo, dán quảng cáo khắp nơi; thậm chí nhiều trường hợp còn lợi dụng buổi tối để vẽ, dán, gắn quảng cáo bừa bãi.
Mặt khác, lực lượng kiểm tra chuyên ngành văn hóa còn quá ít so với nhu cầu, dẫn đến không kiểm soát hết các điểm thường xuyên xuất hiện tình trạng vi phạm quảng cáo. Để xóa bỏ tình trạng dán quảng cáo tràn lan, nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có những đợt ra quân gỡ bỏ và nhắc nhở, xử lý khá quyết liệt, giúp cho bộ mặt đường phố trở nên văn minh, sạch đẹp.
Tuy nhiên, thực tế xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Với các tổ chức có nhãn hàng lớn, có tầm ảnh hưởng với cộng đồng, người thuê thực hiện hành vi quảng cáo đôi khi không phải là tổ chức đó, mà có thể một đơn vị khác.
Do đó, việc truy tìm và xử lý các đơn vị có sản phẩm quảng cáo hoặc đơn vị được thuê thực hiện quảng cáo không có trụ sở giao dịch trên địa bàn phát tờ rơi hay treo, dán quảng cáo, mà là ở địa bàn tỉnh, thành phố khác, thì việc mời làm việc, lập biên bản vi phạm hoặc xác minh thông tin không đơn giản.
Người phát tờ rơi, treo, dán quảng cáo có thể được thuê thực hiện qua nhiều trung gian, cho nên chỉ biết người giao việc, là cá nhân chứ không biết được đơn vị thuê. Việc sơn, dán, rao số điện thoại quảng cáo dịch vụ trên tường nhà, cột điện, chủ sở hữu số điện thoại thường là cá nhân, sử dụng các số điện thoại khuyến mãi, cho nên việc tìm chủ sở hữu sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí là không truy tìm được. Những cố gắng bỏ ra vẫn như "muối bỏ biển", cho nên các tờ quảng cáo cho vay tiền, bán đất, cho thuê phòng vẫn tồn tại dày đặc khiến đường phố trở nên lem luốc, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Thiết nghĩ, nhu cầu quảng cáo, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh là hoàn toàn chính đáng nhưng không thể "bạ đâu" cũng làm, gây mất mỹ quan đô thị. Cùng với việc ra quân xóa bỏ "rác" quảng cáo, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân để họ biết rằng hành vi dán quảng cáo, rao vặt trên là vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp quyết liệt hơn để hạn chế, tiến tới xóa bỏ các quảng cáo vi phạm các quy định của pháp luật.
Trần Mạnh Dũng