Theo quan sát của phóng viên, dải cát khiến người lái xe này bị trượt bánh xe kéo dài khoảng 15m từ đường Lê Đại Hành về phía đường Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình). Đây chỉ là một trong những trường hợp cụ thể bị tai nạn do hành vi làm rơi vãi vật liệu trên đường giao thông mà không có biện pháp khắc phục kịp thời.
Hiện nay, trên nhiều tuyến đường từ trong nội thị lẫn các tuyến đường ngoài nội thị, tình trạng xe ô tô chở vật liệu xây dựng là đất, cát sỏi, phế thải... không che chắn, hoặc có che chắn nhưng cẩu thả, không đúng quy trình nên đã để rơi vãi xuống đường, làm bụi bẩn ô nhiễm môi trường, mất TTATGT, gây bức xúc trong dư luận vẫn diễn ra khá phổ biến.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 20, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô chở hàng rời, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện phải khắc phục vi phạm, thu dọn vật liệu, rác, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định tại Khoản 7 Điều 20 của Nghị định nêu trên.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế chế tài này vẫn chưa đủ sức răn đe. Để bụi bẩn trên các tuyến đường được giảm thiểu cũng như vấn đề an toàn giao thông được đảm bảo, các cơ quan chức năng, trong đó có các ngành công an, thanh tra cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các trường hợp xe chở vật liệu quá đầy, hoặc không che phủ đúng tiêu chuẩn.
Kiều Ân