Về vấn đề này, cần quy định rõ việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một bước bắt buộc trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp. Đồng thời phải xác định rõ đối tượng "Nhân dân được lấy ý kiến" chứ không thể quy định chung chung.
Theo đó, nhân dân được lấy ý kiến là những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu tác động của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, khi người dân góp ý cần quy định tỷ lệ % ý kiến góp ý nếu chưa đồng thuận với dự thảo quy hoạch thì các cơ quan lập quy hoạch phải điều chỉnh, thay đổi toàn bộ, một phần hay không thay đổi thì phải giải trình cho nhân dân biết lý do.
Dự thảo Luật cũng quy định việc lấy ý kiến thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là còn hạn chế.
Do đó, đề nghị mở rộng thêm các hình thức công khai khác phù hợp theo quy định để nhân dân có điều kiện tiếp cận thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
ĐỖ VĂN TRÌNH
(Xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh)
Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Về vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, Điều 225 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định: "1. Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu; 2. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại".
Thống kê cho thấy, khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm phần lớn trong tổng số khiếu nại, tố cáo tại các địa phương trong cả nước. Với quy định hiện hành việc giải quyết tranh chấp có giấy tờ là trách nhiệm của Tòa án, còn lại là trách nhiệm của UBND; vì thế giải quyết tranh chấp đất đai như quy định tại Điều 225 của Dự thảo Luật là phù hợp và UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều vụ án tranh chấp đất đai kéo dài, Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì UBND không cung cấp, chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc không có văn bản trả lời cho Tòa án.
Vấn đề này, tôi đề nghị bổ sung nội dung: Trong trường hợp không cung cấp được tài liệu, chứng cứ thì phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết; trong đó ghi rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ. Nếu quá thời hạn mà không cung cấp được tài liệu, chứng cứ hoặc văn bản trả lời thì Tòa án đề nghị cơ quan quản lý cấp trên của UBND được yêu cầu chỉ đạo UBND cấp dưới thực hiện cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc trả lời bằng văn bản cho Tòa án.
PHẠM HIỆP HƯNG
(Hội Cựu chiến binh thành phố Ninh Bình)