Những ngày nghỉ Tết Dương lịch năm Tân Sửu 2021, bà Phạm Mai Chúc, thôn La Mai, xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư) không được sum vầy cùng con, cháu, do bệnh tim tái phát. Bà Chúc cho biết, cứ vào mùa đông, bệnh tim của bà lại đau, mặc dù bà rất chú ý rèn luyện TDTT, quan tâm ăn uống điều độ theo hướng dẫn của bác sĩ. Những ngày rét đậm, bệnh dường như nặng hơn, nên bà Chúc càng không thể chủ quan, tuân thủ nghiêm việc thăm khám, điều trị tại bệnh viện.
Đối với ông Trần Văn Thân, xóm 2, xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn), những ngày nghỉ Tết dương lịch năm nay cũng phải "gắn" với bệnh viện. Có tiền sử bệnh huyết áp cao, kèm theo một số bệnh khác của người cao tuổi như u xơ tiền liệt tuyến, đau đầu, những ngày rét đậm, ông Thân thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, không ăn uống được, nhập viện điều trị hàng tuần mới ổn định.
Bác sĩ Đào Hồng Quân, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Những ngày rét đậm, rét hại, môi trường sống thay đổi, trong khi người già, hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc các bệnh hô hấp, cúm, suy tim... Từ đó bệnh nhân có tiền sử tim mạch rất dễ mắc các bệnh như đau thắt, nhồi máu cơ tim...
Tại khoa Nội tim mạch, hiện đang điều trị nội trú cho 140 bệnh nhân, những ngày rét đậm tăng trên 20% số bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Trong đó chủ yếu là người cao tuổi và người có các bệnh về tim. Với người mắc bệnh tim, mùa lạnh cần tránh thay đổi đột ngột môi trường sống, tăng cường thêm dinh dưỡng, khoáng chất và đặc biệt không được sưởi ấm bằng than...
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Để phòng, chống các loại bệnh mùa đông, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bệnh viện tiếp tục chỉ đạo lực lượng Đoàn thanh niên nghiêm túc thực hiện việc sàng lọc, phân luồng người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm khi vào bệnh viện; hướng dẫn người dân khi vào bệnh viện phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Tại các khoa lâm sàng, nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế", tránh tình trạng lây nhiễm chéo tại bệnh viện. Đồng thời, luôn đề cao cảnh giác, thăm khám tỉ mỉ, khai thác kỹ, phát hiện sớm các trường hợp có tiền sử dịch tễ đến từ các tỉnh có dịch bệnh hoặc những người bệnh có tiếp xúc với người đi về từ các tỉnh có triệu chứng: sốt cao đột ngột, suy nhược, nhức đầu, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan, thận, có thể xuất huyết… Trong trường hợp nếu có người bệnh mắc bệnh dịch bệnh truyền nhiễm sẽ chuyển vào khoa Truyền nhiễm sàng lọc, chẩn đoán xác định, cách ly, điều trị, kịp thời không để tình trạng lây lan trong bệnh viện và cộng đồng.
Đồng thời, Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng chuẩn bị đủ số giường, cơ số thuốc, dịch truyền và hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị và các phương tiện cấp cứu để sẵn sàng đáp ứng khi có người bệnh vào điều trị, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Đảm bảo tăng cường, kiểm soát tốt vệ sinh môi trường, tránh tình trạng lây nhiễm chéo tại bệnh viện.
Cùng với đó, tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa, truyền thông trên hệ thống phát thanh nội bộ và website bệnh viện về nguy cơ, tác hại, đường lây nhiễm, cách phát hiện sớm, cách điều trị và phòng chống các dịch bệnh thường gặp...
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sự thay đổi bất thường của khí hậu cùng với thời tiết rét lạnh, khô trong mùa đông rất dễ phát sinh và bùng phát các bệnh truyền nhiễm như sởi, rubella, bạch hầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết, các loại cúm…
Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi hiện là thời điểm cuối năm và sắp đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu tập trung, giao lưu, ăn uống, đi lại, tiêu thụ các loại gia súc, gia cầm… tăng cao, tạo điều kiện cho các dịch bệnh truyền nhiễm dễ xảy ra và lây lan bùng phát nếu không có sự vào cuộc của ngành chức năng và ý thức phòng chống của người dân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương cũng khuyến cáo, vào mùa đông, các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, có khả năng dễ dàng xâm nhập phát triển nhanh khiến người bệnh không kịp trở tay. Trong đó, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng thường mắc bệnh nhất. Các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp thường xảy ra đối với trẻ dưới 5 tuổi, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính chủ yếu do viêm phổi.
Các bệnh đường hô hấp thường gặp đó là viêm mũi xuất tiết, viêm họng cấp, viêm VA, viêm amiđan cấp hoặc hốc mủ, viêm xoang... Các triệu chứng thông thường là sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, nhiều đờm... Các bệnh về tiêu hóa thường gặp có 2 loại là tiêu chảy thường và tiêu chảy cấp. Tiêu chảy cấp do vi khuẩn, do vi nấm, do ký sinh trùng hoặc do nhóm virus đường ruột gây ra.
Đối với người cao tuổi, các bệnh thường gặp vào mùa đông là các bệnh liên quan tới phổi và tim mạch, viêm phế quản mãn tính, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, dị ứng... Do đó, người già phải đảm bảo giữ ấm bàn tay, chân, cổ và ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ giấc. Đối với người có các bệnh nền, duy trì uống thuốc đầy đủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, tăng cường thêm thức ăn nhiều dinh dưỡng, vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể...
Đối với các cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người về những kiến thức phòng, chống dịch bệnh mùa đông. Tại các trường học, có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa để hướng dẫn học sinh biết cách bảo vệ bản thân trước dịch bệnh... Đặc biệt, khi có bệnh, dù nặng hay nhẹ, kéo dài hay mau khỏi, có biến chứng hay không..., đều không nên tự ý mua thuốc về uống, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo đúng phác đồ.
Bài, ảnh: Hạnh Chi