Tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có phạm vi điều chỉnh gồm cả hai lĩnh vực là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ. Tuy nhiên, đây là hai lĩnh vực có mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau (bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông).
Thực tế, sau hơn 10 năm triển khai Luật Giao thông đường bộ 2008 vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm TTATGT. Trên cả nước, TTATGT đường bộ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.
Riêng đối với địa bàn Ninh Bình, qua thống kê cho thấy, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, 9 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 100 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 83 người; so với cùng kỳ năm 2019 số vụ TNGT giảm 10 vụ, tăng 4 người chết, giảm 4 người bị thương... Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, do kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện kém, còn có hiện tượng coi thường pháp luật và sự chồng chéo trong xử lý vi phạm...
9 tháng năm 2020, lực lượng Công an Ninh Bình đã xử lý gần 32.000 trường hợp vi phạm về TTATGT, phạt tiền trên 43 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3.449 trường hợp, tạm giữ trên 4.200 phương tiện. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh cũng phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông như: trộm, cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại...
Từ thực tế trên, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 08 Chương, 71 Điều về giải thích các từ ngữ liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bổ sung một số khái niệm, định nghĩa. Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự.
Đáng chú ý, điểm mới của dự thảo Luật so với các luật trước đó là luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về trật tự an toàn giao thông; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong giám sát, chỉ huy, điều hành giao thông, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.
Mục đích cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Nhằm bảo đảm quyền được hiểu biết thông tin pháp luật của công dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trên cơ sở Đề cương tuyên truyền dự thảo Luật Bảo đảm trật tự giao thông đường bộ, do Cục Cảnh sát giao thông xây dựng; Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Ninh Bình đã nghiêm túc nghiên cứu các nội dung, những điểm mới, tính ưu việt của dự án để nâng cao kiến thức và thông qua nhiệm vụ chuyên môn tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn chi tiết các nội dung của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến người dân.
Đặc biệt chỉ ra những quy định mới, điểm khác biệt so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đến các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Giúp nhân dân hiểu nội dung, nắm rõ quy định, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức góp phần xây dựng môi trường văn hóa giao thông văn minh, an toàn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo vệ an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Hữu Hoàn (Công an tỉnh)