Thời điểm trước, trong và sau Tết, người dân thường hay uống nhiều bia rượu nhưng vẫn vô tư và chủ quan lái xe tham gia giao thông. Lái xe trong tình trạng say rượu hoặc nồng độ cồn trong máu cao là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT đường bộ, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà cho những người đi đường khác, thực tế trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, việc vi phạm nồng độ cồn còn bị phạt rất nặng, cụ thể theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP đối với ô tô: Khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; đồng thời còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện đến 10 ngày.
Đối với xe máy, xe gắn máy, khi người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-2 tháng và bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Vì vậy, người dân cần phải nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; các ngành chức năng cần tăng cường phòng, chống và kiểm soát người uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là trong dịp Tết và lễ hội đầu xuân nhằm đảm bảo TTATGT, góp phần giảm các vụ TNGT mà nguyên nhân là do người uống rượu, bia điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Kiều Ân