Qua một thời gian triển khai thực hiện trên cả nước, bộ mặt nông thôn nước ta đã có những đổi thay tích cực cả về quy hoạch, về phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, phát triển văn hóa-xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống người dân và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Ở Ninh Bình, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được tất cả các xã triển khai thực hiện với quyết tâm cao và có sự tham gia của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân .
Đến hết năm 2015 tỉnh Ninh Bình đã có 40/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia, xây dựng nông thôn mới.
Kết quả trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Ninh Bình có sự thay đổi rõ rệt.
Cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, mô hình sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống điện nông thôn ngày càng hoàn thiện. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được tăng cường. Thu nhập và điều kiện sống của người dân ngày càng được nâng cao...
Một trong những yếu tố góp phần vào thành công trong xây dựng nông thôn mới là làm tốt việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình, gồm nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tín dụng, vốn từ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, nguồn vốn huy động từ đóng góp của cộng đồng dân cư.
Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ xác định tỷ lệ nguồn vốn ngân sách khoảng 40%, vốn tín dụng khoảng 30%, vốn từ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác khoảng 20% và vốn huy động đóng góp của nhân dân khoảng 10%.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (2011-2015) tổng nguồn vốn huy động của Ninh Bình là 17.095 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Nhà nước là 6.105 tỷ đồng (chiếm 35,7%), vốn tín dụng là 3.417 tỷ đồng (chiếm 20%), vốn huy động từ các doanh nghiệp là 1.128 tỷ đồng (chiếm 6,6%), vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư là 6.085 tỷ đồng (chiếm 35,6%), vốn khác là 360 tỷ đồng (chiếm 2,1%).
Thực tế cho thấy, so với tỷ lệ theo Quyết định 800 thì việc huy động nguồn vốn từ tín dụng và từ các doanh nghiệp là còn thấp (20% so với 30% và 6,6% so với 20%), tuy nhiên nguồn vốn huy động từ sự đóng góp của nhân dân lại đạt rất cao (35,6% so với 10%).
Điều đó khẳng định công tác tuyên truyền, công tác dân vận trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình là rất tốt, rất có hiệu quả, đã huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm cao, ngoài việc đóng góp tiền mặt, nhân dân còn đóng góp bằng hiện vật, bằng đất và nhiều ngày công lao động.
Trong thời gian tới, để việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, bên cạnh thực hiện các giải pháp cơ bản khác, cần tăng cường hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho chương trình.
Tiếp nhận, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng hợp lý, hiệu quả; vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư trực tiếp, hỗ trợ tiền mặt hoặc sản phẩm như xi măng, gạch ngói, sắt thép... hoặc hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, liên hệ đầu ra cho sản phẩm của nông dân.
Đối với nguồn đóng góp của nhân dân, cần tập trung vận động sự đóng góp bằng hiện vật, đất, ngày công lao động; chỉ huy động sự đóng góp bằng tiền đối với những hộ nông dân có điều kiện khá và con em nông dân xa quê thành đạt, tránh áp đặt mọi sự đóng góp, nhất là với hộ nghèo, những hộ còn khó khăn... để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự mang lại lợi ích cả về vật chất và tinh thần cho mỗi gia đình nông dân.
Đỗ Bằng