P.V: Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả công tác đấu tranh phòng chống ma túy trong thực hiện đợt cao điểm vừa qua (từ ngày 10/5 đến nay) trên địa bàn tỉnh? Đại tá Đoàn Văn Thành: Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn toàn tỉnh được triển khai thực hiện một cách toàn diện, đảm bảo ổn định tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong đó, công tác đấu tranh phòng chống ma túy tại địa phương đã được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo sâu sát, cùng sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội.
Với vai trò là nòng cốt, lực lượng Công an đã chủ động quán triệt, tham mưu triển khai nhiều chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy tại địa phương như: Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy trong tình hình mới"…
Đặc biệt, thực hiện tháng hành động PCMT và hưởng ứng ngày toàn dân PCMT 26/6, lực lượng Công an tỉnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp để nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, mở đợt tấn công trấn áp tội phạm ma túy từ ngày 10/5 đến 10/7, trong đó đã đấu tranh bóc gỡ được nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ nơi khác vào địa bàn tỉnh.
Từ ngày 10/5 đến nay, Công an tỉnh đã thực hiện phá án thành công 273 vụ, bắt giữ 301 đối tượng, thu giữ 1738 gam Hêrôin; trong đó: 16 vụ mua bán, 32 trường hợp tàng trữ, 225 trường hợp sử dụng ma túy.
Ngoài ra, lực lượng Công an cũng phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội như: tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy, hệ lụy của tệ nạn ma túy, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy… để nhân dân biết, phòng ngừa và tham gia tố giác tội phạm.
Trong đó, công an các địa phương đã tham mưu cho UBND các xã, phường lập và duyệt hồ sơ đưa 87 đối tượng nghiện ma túy vào diện giáo dục tại cộng đồng, 68 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc; tổ chức cho các chi đoàn ký cam kết "chi đoàn không có tệ nạn ma túy"; đồng thời, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền cho hơn 1000 đoàn viên, hội viên.
P.V: Xin đồng chí cho biết, phải chăng mỗi khi có chiến dịch, mở đợt cao điểm truy quét thì số vụ việc liên quan đến ma túy thường tăng.
Đại tá Đoàn Văn Thành: Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của lực lượng công an.
Đây là loại tội phạm ẩn, vì vậy trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy, lực lượng công an Ninh Bình lấy việc phát động các đợt cao điểm để động viên cán bộ chiến sĩ lấy đó để tạo đà cho công tác thường xuyên, chứ không phải chỉ khi thực hiện cao điểm, chúng tôi mới thực hiện đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy. Có những chuyên án, vụ án, lực lượng công an phải gian nan vất vả mấy tháng để tập trung đấu tranh, bóc gỡ mới phá được án.
Xin khẳng định, hiện tại trên địa bàn tỉnh, chúng tôi vẫn kiểm soát, nắm tốt tình hình về tội phạm ma túy, đồng thời xác định lấy phòng ngừa là chính và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh liên tục với loại tội phạm này, không phải chỉ khi có đợt cao điểm mới thực hiện.
P.V: Có thể nói, công tác PCMT trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai rất quyết liệt, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp. Xin đồng chí cho biết vài nét về tình hình hiện nay?
Đại tá Đoàn Văn Thành: Hiện số đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở ngoài xã hội trên địa bàn toàn tỉnh là 1.958 đối tượng (tăng 168 đối tượng so với cùng kỳ năm 2016); trên địa bàn có 29 địa bàn trọng điểm về ma túy; 13 điểm, tụ điểm; 138/145 xã, phường thị trấn có các đối tượng nghiện ma túy đang cư trú.
Cùng với số liệu về công tác đấu tranh với ma túy của lực lượng công an cho thấy tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn và diễn biến theo chiều hướng tăng dần; xu thế sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá ngày càng gia tăng, tạo ảo giác gây hệ lụy cực kỳ nguy hiểm cho xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đồng thời phát sinh các tội phạm trộm cắp, cướp giật, giết người...
Số người nghiện tham gia buôn bán, phạm tội về ma túy ngày càng tăng và trẻ hóa, thường xuyên thay đổi quy luật, phương thức thủ đoạn hoạt động. Chủ yếu là số đối tượng đã có tiền án, tiền sự; một số đối tượng là phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và bị bệnh giai đoạn cuối hoạt động phạm tội.
Tính chất hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh phổ biến vẫn là phân tán nhỏ lẻ, chủ yếu nổi lên là một số đối tượng nghiện đi mua ma túy ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An về để sử dụng và bán lại cho các đối tượng nghiện khác lấy lãi quay vòng phục vụ cho bản thân, song mức độ, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng quyết liệt và tinh vi, xảo quyệt, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phức tạp, tái hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy gây nên tính phức tạp, đa dạng của tội phạm này.
Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các đường dây vận chuyển tàng trữ trái phép chất ma túy tổng hợp từ các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hải phòng về Ninh Bình tiêu thụ.
P.V: Trước thực trạng trên, về lâu dài, lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy có phương án gì để ngăn chặn tệ nạn ma túy trên địa bàn, thưa đồng chí?
Đại tá Đoàn Văn Thành: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy Công an tỉnh tiếp tục đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là đối tượng vận chuyển, mua bán, mục tiêu làm giảm nguồn cung và hạn chế đầu vào của ma túy.
Tuy vậy, Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền các đoàn thể và cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc tích cực để thực hiện biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy. Mặt khác, phải có biện pháp, chế tài đối với đối tượng nghiện ma túy và phải được đưa đi cai nghiện tập trung bắt buộc, để giảm tội phạm đầu vào, tội phạm hình sự. Đối với những vụ án ma túy đã được triệt phá xong, các cơ quan tòa án nên sớm đưa ra xét xử và tăng cường xét xử lưu động để mang tính răn đe, giáo dục.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Kiều Ân (thực hiện)