Trong bối cảnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay thì đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Nhân ngày Dân số thế giới 11-7, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện Gia Viễn về những kết quả đã đạt được.
Phóng viên (P.V): Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác DS-KHHGĐ của huyện trong thời gian qua?
Đồng chí Lê Văn Thành: Thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ ở huyện Gia Viễn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tư tưởng của những người làm công tác dân số ở tuyến cơ sở bị dao động, do có sự thay đổi của tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, những khó khăn đó nay đã được khắc phục. Hàng loạt giải pháp nhằm ổn định công tác dân số đã được triển khai và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2009, để đạt chỉ tiêu kế hoạch năm, huyện đã chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác hàng tháng, quý. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1 năm 2009 diễn ra từ ngày 10-3 đến 30-4 trên phạm vi 21/21 xã, thị trấn với 259/259 địa bàn thực hiện.
Công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai thường xuyên với những hình thức và nội dung phong phú, thu hút hàng nghìn người tham gia, đồng thời huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội. Công tác tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn tại nhà được các xã, thị trấn triển khai trước, trong và sau chiến dịch. Đối tượng tư vấn tập trung vào các cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh 2 con và đã sinh con thứ 3 trở lên. Nhiều xã đã tổ chức ngay tại điểm cung cấp dịch vụ các hội nghị chuyên đề theo từng nhóm đối tượng, đối thoại với đối tượng nhằm giải đáp những thắc mắc cho họ. Trong chiến dịch, đã có 21 cuộc tư vấn được tổ chức tại cơ sở, thu hút 1.200 người tham gia và 87 buổi nói chuyện chuyên đề, thu hút gần 5.000 người tham gia...
Kết quả, kết thúc chiến dịch, toàn huyện đã thực hiện được 5.288/5.012 ca áp dụng các biện pháp tránh thai, đạt tỷ lệ 105,5%. 6 tháng đầu năm, mức giảm sinh của huyện được duy trì ổn định, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 13,5%, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Những kết quả đó là nguồn động viên lớn đối với những người làm công tác DS-KHHGĐ, đồng thời tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi chiến dịch truyền thống đợt 2.
P.V: Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng của những người làm công tác DS-KHHGĐ. Song thực tế cho thấy ở đâu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, ở đó phong trào sẽ mạnh. Điều này ở Gia Viễn được thể hiện như thế nào?
Đồng chí Lê Văn Thành: Để công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả cao, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có chỉ tiêu cụ thể về công tác DS-KHHGĐ theo từng thời điểm. Đối với việc thay đổi tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ, Đảng ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Y tế huyện đẩy nhanh việc ổn định, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ, tạo tiền đề triển khai đồng bộ và mạnh mẽ các giải pháp về truyền thông, cung cấp dịch vụ, thực hiện tốt các chính sách...
Bên cạnh đó, huyện còn mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cấp xã, đội ngũ cộng tác viên, kiện toàn Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ. Các thành viên của Ban chỉ đạo được phân công phụ trách các xã, thị trấn nhằm đi sâu, đi sát, nắm bắt tình hình dân số ở cơ sở để chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra thông tin về dân số. Từ đó, nắm bắt được thực trạng công tác dân số, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ... để tập trung vận động và triển khai thực hiện. Đặc biệt, huyện đã phát động phong trào thi đua giảm tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trên phạm vi toàn huyện. Những cách làm hiệu quả trong công tác giảm sinh con thứ 3 (đã được chứng minh trong thực tế) của các thôn, xã sẽ được tập hợp, trở thành "cẩm nang" cho các xã khác tham khảo...
Huyện luôn gắn kết công tác truyền thông, giáo dục với đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Đưa công tác DS-KHHGĐ thành một nội dung quan trọng trong chương trình công tác hàng năm, lấy kết quả thực hiện mục tiêu DS-KHHGĐ là một trong các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước của các tập thể, cá nhân...
P.V: Chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm nay là "Đầu tư cho sức khỏe phụ nữ là sự lựa chọn sáng suốt". Vậy huyện đã triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng?
Đồng chí Lê Văn Thành: Có thể khẳng định phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, trên thực tế, kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) của phụ nữ ở các vùng nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, vẫn còn nhiều trường hợp phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, mắc bệnh phụ khoa... mà không được chữa trị kịp thời. Nhằm trang bị cho phụ nữ trên địa bàn những kiến thức về SKSS thì biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ tổ chức các hội nghị chuyên đề về chăm sóc SKSS, KHHGĐ, làm mẹ an toàn, tránh mang thai ngoài ý muốn...
Đồng thời, phối hợp với ngành Y tế tổ chức các ngày làm dịch vụ tại các trạm y tế của xã, thị trấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ cho đội ngũ nhân viên, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh... Chúng tôi cũng kêu gọi nam giới thừa nhận và thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo quan hệ tình dục an toàn, không bạo hành phụ nữ, chăm sóc thai phụ trong gia đình, sẵn sàng cùng phụ nữ chăm sóc con nhỏ và chia sẻ gánh nặng nuôi dạy và giáo dục con cái...
P.V: Xin cảm ơn đồng chí! Thu Hằng (Thực hiện)