Đại diện Bến xe khách Ninh Bình cho biết: Từ 5h sáng ngày 29/10, nhiều xe đã treo khẩu hiệu đình công, đồng thời không chở khách, trong đó có tuyến Ninh Bình - Hà Nội và một số xe búyt thuộc tuyến thành phố Ninh Bình - Nho Quan, thành phố Ninh Bình - Kim Sơn.
Trong ngày này, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Ninh Bình chỉ xuất 1/47 chuyến đi tuyến Ninh Bình - Hà Nội, 18/36 chuyến xe búyt thành phố Ninh Bình - Kim Sơn và 1/18 chuyến thành phố Ninh Bình - Nho Quan. Cùng với đó, các xe vận tải khách cố định tuyến Ninh Bình - Hà Nội của các Công ty vận tải như Minh Long, 27/7, Thiên Trường, Hải Thắng cũng không hoạt động.
Theo anh Phạm Thế Anh - lái xe Công ty cổ phần Vận tải ô tô Ninh Bình: Nguyên nhân của việc đình công là do thời gian qua xảy ra nhiều vấn đề bất cập gây bức xúc cho đội ngũ lái xe, trong đó nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh không lành mạnh của loại hình xe limousine, khiến hành khách đi xe của Công ty sụt giảm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động, thu không đủ chi.
Bên cạnh đó là việc nhiều xe khách đăng ký tuyến Ninh Bình - Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) với 4 chuyến/ngày, nhưng thực tế lại chạy tuyến Ninh Bình - Mỹ Đình với tần suất 20 phút/chuyến.
Bên cạnh đó, nhiều xe tuyến cố định ở tuyến huyện vẫn đi vào thành phố Ninh Bình (dù bị cấm) và bắt khách dọc đường, khiến chúng tôi mất khách. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị nhiều lần tới các cơ quan chức năng, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết tình trạng trên.
Thời gian qua, do bị các sức ép từ việc xuất hiện các đơn vị kinh doanh vận tải cạnh tranh không lành mạnh, các công ty vận tải và Hiệp hội Doanh nghiệp ô tô Ninh Bình đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên các cấp, các ngành phản ánh tình trạng vi phạm các quy định về hoạt động vận tải khách của các loại phương tiện trên địa bàn tỉnh, trong đó nổi cộm nhất là hoạt động của loại hình vận tải Limousine.
Trước sự việc trên, ngay trong chiều ngày 29/10, Sở Giao thông-Vận tải đã tổ chức họp để xem xét, đánh giá tình hình, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban tích cực vào cuộc để giải quyết, xử lý. Ngay sau đó, đại diện Sở Giao thông- Vận tải đã gặp gỡ trao đổi, động viên và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đội ngũ lái xe, nhằm sớm đưa ra hướng giải quyết để ổn định tình hình, đưa hoạt động vận tải trở lại bình thường, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Theo đại diện Sở Giao thông-Vận tải, việc làm cần thiết hiện nay là làm sao để không chồng chéo giữa các loại hình vận tải, có sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Sở Giao thông-Vận tải sẽ rà soát các quy định của tỉnh đồng thời siết chặt kiểm tra việc thực hiện lưu thông trên các tuyến đường của các đơn vị vận tải. Cùng với đó, tăng cường phối hợp theo dõi phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xe vi phạm.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cũng cần nghiêm túc thực hiện các quy định bắt buộc trong hoạt động kinh doanh, duy trì và báo cáo thường xuyên tình hình hoạt động của các phương tiện. Đồng thời, phải thay đổi phương thức hoạt động, xây dựng thương hiệu để tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các hãng xe, xây dựng được hình ảnh an toàn, văn minh, lịch sự để lấy lại thị phần.
Bài, ảnh: Kiều Ân