Trong năm 2008, diện tích nuôi trồng thủy sản của toàn tỉnh là 10.241 ha, tổng sản lượng thủy hải sản đạt 21.658 tấn, đạt trên 120% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2007, trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm 17.959 tấn, sản lượng đánh bắt đạt 3.699 tấn. Từ đầu năm 2009 đến nay, sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 4.793 tấn, chiếm 21,8% kế hoạch năm, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó sản lượng nuôi trồng vẫn chiếm chủ yếu, đạt 4.141 tấn, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2008. Điều đó cho thấy ngành Thủy sản đang khẳng định được vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Phát huy lợi thế của vùng ven biển Kim Sơn, những năm qua, ngư dân đã tập trung khai thác, phát triển, mở rộng diện tích nuôi trồng nhiều loại con nuôi thế mạnh như tôm sú, tôm he chân trắng, ngao, cua xanh và các con nuôi mới như cá vược, cá mú, cá bớp... Kết hợp giữa nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện thuận lợi về đầu tư xây dựng vùng sản xuất hàng hóa đã tạo ra năng suất, chất lượng, nguồn lợi đáng kể cho người dân nơi đây.
Là một ngành kinh tế mũi nhọn, chủ trương của huyện Kim Sơn xác định là đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng đa dạng hóa con nuôi, hình thức nuôi, phấn đấu trong năm 2009 diện tích nuôi thủy sản đạt 2.064 ha, tổng sản lượng đạt 3.250 tấn, giá trị sản lượng ước đạt 200 tỷ đồng. Để đạt được điều đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, phòng chức năng và người nuôi thủy sản đang nỗ lực cải tạo ao đầm, bố trí lịch nuôi thả, chăm sóc phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống... Tuy nhiên, nuôi thủy sản rất nghiệt ngã đối với ngư dân, thường được ví như đánh bạc với trời, "được ăn cả, ngã về không" vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu như nắng nóng kéo dài hay mưa lớn đột ngột xuất hiện sẽ làm cho con nuôi thủy sản dễ bị chết hàng loạt như ở vụ 1 của năm 2008. Điều mà ngư dân ở đây lo lắng còn là chất lượng nguồn con giống, nguồn nước, kỹ thuật nuôi, môi trường. Để có một đầm tôm, cua 1 ha người dân phải bỏ ra hàng chục triệu đồng tiền giống vốn, nếu như nguồn không đảm bảo thì cả chục triệu ấy đều mất đi và đầm nuôi thì bỏ không. Thế nhưng hiện nay, không ít lượng giống nhập từ tỉnh ngoài được đem thả vào đầm nuôi đã lẩn tránh, không qua kiểm dịch, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh làm ảnh hưởng đến an toàn vùng nuôi và phát triển bền vững.
Ngoài nuôi trồng, ngư dân còn tích cực đầu tư đánh bắt thủy hải sản mang lại sản lượng không nhỏ, nhưng mừng - lo vẫn còn khấp khởi, bởi thị trường tiêu thụ bấp bênh, không có hệ thống, chủ yếu là tự tìm kiếm nên dễ bị ép giá, trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào cao. Một mối lo không nhỏ nữa là nguồn vốn để đầu tư vào nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phải lớn, nhưng việc huy động vốn của ngư dân có hạn. Trên thực tế, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản vùng bãi ngang đều đã đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tín chấp ngân hàng vay vốn đầu tư vào ao đầm, con nuôi nhưng do thua thiệt trong những năm trước nên nợ nần vẫn còn chồng chất, không thể vay thêm vốn mới được. Do vậy cần sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đứng ra tín chấp và các ngân hàng có cơ chế cho vay hợp lý để tạo điều kiện cho người dân đầu tư vào sản xuất.
Trong chương trình giảm nghèo của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 10 và một số chương trình, dự án khác, những xã bãi ngang ven biển Kim Sơn đang được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, mà gần đây nhất là dự án đầu tư hạ tầng thủy lợi vùng nuôi trồng thủy sản, với tổng vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng. Đây chính là điều kiện thuận lợi, tháo gỡ dần nút thắt khó khăn cho ngư dân nơi đây để việc khai thác cũng như nuôi trồng trồng thủy sản nước lợ, nước mặn của tỉnh ta đạt hiệu quả cao.
Cùng phát triển với thủy sản vùng ven biển, trên địa bàn tỉnh ta, việc nuôi trồng thủy sản vùng nội đồng đang được đẩy mạnh, chiếm diện tích nhiều, với ưu thế về nuôi tôm càng xanh, các loại cá trắm, chép, rô phi... Từ đầu năm 2009 đến nay, nông dân tiếp tục tận thu cá thương phẩm ở các ao, hồ; phòng, chống rét, dịch bệnh, ương cá giống, tiến hành cải tạo, tu sửa bờ vùng, ao hồ, nạo vét đáy, đào đắp kênh mương để chuẩn bị thả giống nuôi vụ mới. Sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt thu hoạch trong quý I-2009 đạt 3.843 tấn, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2008, chiếm 25,6% kế hoạch năm. Riêng về con giống cung cấp, các trại sản xuất giống tôm càng xanh, cá các loại đã thực hiện tốt vệ sinh hệ thống ao ương nuôi, bể sinh sản, tuyển chọn và nuôi vỗ tôm, cá bố mẹ để cho sinh sản, đảm bảo nguồn phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đến nay, Trại cá giống Khánh Nhạc đã sản xuất được 6 triệu cá bột giống cá trắm cỏ và cá chép.
Cũng giống như vùng nước mặn, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt cũng đang đứng trước những khó khăn nhất định. Là một ưu thế mang lại nguồn thu, năng suất, sản lượng, giá trị cao cho nông dân, hơn hẳn cây lúa nhưng sự phát triển, mở rộng chủ yếu là do nhu cầu tự phát, khắc phục tình trạng đất bỏ hoang hóa, hay do đồng đất thùng trũng không thuận lợi cho việc canh tác cây trồng, nên mới được chuyển đổi sang. Do vậy, việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt chỉ có sự động viên từ phía các ngành, các cấp nhưng chưa được chú trọng, đầu tư thỏa đáng. Việc hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật nuôi trồng còn rất khó khăn, không có cơ chế cụ thể nào. Một số cấp ủy đảng, chính quyền còn đang bỏ ngỏ trong hỗ trợ, khuyến khích, vận động nông dân chuyển đổi, mở rộng diện tích, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy hoạch gọn bờ vùng bờ thửa, tư vấn chọn đối tượng con gì và nuôi như thế nào, liên kết tiêu thụ sản phẩm... chỉ là mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó nguy cơ bão lũ, dịch bệnh tiềm ẩn làm cho người dân không dám mạnh dạn đầu tư cho nuôi thủy sản. Văn Phú là một trong những xã ở Nho Quan thành công trong việc mở rộng mô hình lúa - cá. Từ những năm 1995, với nhận thức không cam chịu cái đói nghèo khi nhìn cánh đồng chỉ cấy được một vụ lúa còn một vụ nước ngập trắng xóa, người dân trong xã đã mạnh dạn, không quản ngại khó khăn, nỗ lực đắp bờ vùng bờ thửa đưa thủy sản vào nuôi trồng. Thành công ban đầu đã tạo đà phát triển, đến năm 1999 mô hình này nhanh chóng được làm đồng trà khép kín trên 412 ha diện tích mặt nước trong tổng số 790 ha đất nông nghiệp của toàn xã, nhất là ở thôn Phương Lâm. Hiện xã có 26 nhóm hộ tổ chức liên kết quây vùng thả, trung bình mỗi nhóm từ 8 - 20 ha, giá trị thu nhập gấp 1,5 - 2 lần cấy lúa. Con nuôi chủ yếu là cá trắm, chép, trôi, chim trắng. Tuy nhiên không phải việc nuôi thủy sản trên đất Văn Phú lúc nào cũng được "xuôi chèo mát mái". Nhớ trận lũ lịch sử hồi tháng 10-2007, cả xã đã phải ngậm ngùi khi diện tích thả cá bị mất trắng, thiệt hại lên đến trên 5 tỷ đồng.
Giải quyết được những trăn trở đó chắc chắn sẽ mang lại những kết quả cao hơn, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo. Trách nhiệm này không thuộc riêng ngành Thủy sản tỉnh nhà mà cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người trực tiếp nuôi trồng thủy sản.
Hoàng Tâm