PV: Thưa ông, tình hình nạn nhân chất độc da cam/điôxin trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện nay như thế nào?
Ông Bùi Xuân Nguyên (BXN): Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, huyện Kim Sơn đã có gần 5.000 người trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường miền Nam.
Theo số liệu khảo sát sơ bộ, toàn huyện hiện có gần 400 người là CCB, cựu TNXP, cựu chiến sỹ công an nhân dân, cán bộ dân chính và thân nhân của họ bị nhiễm chất độc da cam/điôxin (133 người bị nhiễm trực tiếp). Trong số đó có 360 người hiện được hưởng trợ cấp thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cần phải được khám, xác định mức độ bị nhiễm chất độc da cam để được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước (Trên 100 người nghi nhiễm chưa được khám xác định).
Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Kim Sơn với đạo lý "uống nước nhớ nguồn" đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin vơi đi những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhiều nạn nhân và gia đình đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên, vượt qua nỗi đau bệnh tật. Tuy vậy, phần lớn trong số họ sức khỏe đã giảm sút, đau ốm triền miên, gia cảnh rất khó khăn. Hậu quả chiến tranh để lại đối với các nạn nhân chất độc da cam/điôxin là rất lớn. Những di chứng của nó không chỉ làm tàn phế một thế hệ mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau này với hậu quả khôn lường (hiện nay trong huyện đã xuất hiện 2 nạn nhân là đời thứ 3).
PV: Từ khi được thành lập, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Kim Sơn đã và đang có những hoạt động thiết thực gì, thưa ông?
Ông BXN: Trên thực tế, trong số gần 400 nạn nhân chất độc da cam/điôxin đã được huyện thống kê thì vẫn còn không ít người vì mặc cảm trước những dị nghị của một bộ phận người dân đã không dám thừa nhận mình là nạn nhân của chiến tranh. Vì thế, khi Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Kim Sơn thành lập làm vơi đi mặc cảm cho các nạn nhân và dần xóa bỏ được những định kiến trên.
Từ khi thành lập, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Kim Sơn đã luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền và đã đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhiều người, nhất là những nạn nhân chất độc da cam. Sau khi được thành lập (10/2007), Hội đã sớm ổn định tổ chức và tích cực tuyên truyền, vận động các nạn nhân cũng như các cá nhân có nhiều tâm huyết tham gia vào tổ chức Hội. Đến nay, toàn huyện đã có 24/27 xã, thị trấn có tổ chức chi hội với gần 500 hội viên (3 xã còn lại là Kim Đông, Đồng Hướng và Yên Mật vì một số lý do nên chưa có tổ chức Hội).
Thời gian qua, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện và các chi hội đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và cộng đồng dân cư ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, góp phần xoa dịu "nỗi đau da cam". 6 tháng đầu năm 2008, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Kim Sơn đã phối hợp với Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn thăm hỏi, tặng quà cho 103 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là trên 20 triệu đồng; trao tặng 3 xe lăn cho 3 trường hợp khuyết tật vận động.., góp phần quan tâm, chia sẻ khó khăn với các nạn nhân.
Dạy nghề cho người nhiễm chất độc da cam/điôxin ở TP Ninh Bình. Ảnh: P.T
PV: Vậy trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào?
Ông BXN: Đến nay, 100% chi hội đã tổ chức xong Đại hội cấp cơ sở. Khi bộ máy ổn định, các cấp Hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động các cá nhân có nhiệt huyết, có năng lực tham gia vào tổ chức Hội với tư cách là hội viên danh dự để đóng góp vật chất và trí tuệ cho các cấp Hội. Phát huy vai trò, chức năng của mình tích cực bảo vệ, quyền lợi ích chính đáng cho các hội viên.
Vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ xây dựng Quỹ "Vì nạn nhân chất độc da cam/điôxin". Xây dựng các chương trình, đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với sức khỏe, năng lực của mỗi nạn nhân và gia đình, góp phần tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống cho họ.
PV: Nhân Ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam/điôxin", ông có tâm sự gì với các nạn nhân cũng như các tổ chức, cá nhân đã và đang quan tâm tới vấn đề này?
Ông BXN: Nhân ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam/điôxin", tôi xin được gửi tới các nạn nhân lời chúc sức khỏe và xin chia sẻ nỗi đau mà các nạn nhân và gia đình đã, đang và sẽ phải gánh chịu. Bên cạnh sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy, chính quyền và sự chung tay của toàn xã hội nhằm xoa dịu "nỗi đau da cam", các nạn nhân cũng cần phát huy hơn nữa tinh thần "tự lực cánh sinh" khắc phục khó khăn, vượt qua bệnh tật, vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi cũng nhận thấy thực tế đang nảy sinh một số bất cập cần được quan tâm, tháo gỡ kịp thời. Đó là hiện nay, một số đối tượng trực tiếp bị nhiễm chất độc da cam/điôxin chưa được hưởng trợ cấp của Nhà nước với lý do họ đã được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp thương, bệnh binh, TNXP... nếu có trường hợp con được hưởng trợ cấp chất độc da cam/điôxin còn bố (mẹ) lại không được hưởng.
Một bất cập khác nữa là mức trợ cấp đối với các nạn nhân chất độc da cam/điôxin như hiện nay còn quá thấp, không đủ chi phí cho việc mua thuốc thang chữa trị bệnh tật hàng ngày. Thực tế này đòi hỏi đã đến lúc chúng ta cần sớm đưa ra những giải pháp khắc phục. Trong công tác chăm lo, giúp đỡ vật chất, tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin cần tích cực huy động tâm và lực của toàn xã hội có như vậy mới làm vơi đi những nỗi đau cho nạn nhân chất độc da cam...
PV: Xin cảm ơn ông!
Đức Nghĩa
(thực hiện)