Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở các địa phương vẫn còn những trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như nghèo túng, khuyết tật, thậm chí mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Hơn ai hết, các em đang rất cần được che chở, giúp đỡ nhằm sớm thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, hòa nhập với cộng đồng.
Từ trung tuần tháng 5 đến giữa tháng 6 hàng năm là thời điểm thích hợp để Ủy ban DS, GĐ&TE (và nay là ngành LĐ-TBXH) phát động Tháng hành động vì trẻ em. Tháng hành động có ý nghĩa như một lời nhắn nhủ, gửi tới các gia đình, các cấp, các ngành hãy quan tâm tới trẻ em và làm những gì có thể vì tương lai tươi sáng cho các em. Chính vì vậy, đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động vì trẻ em nhất. Ngoài những trẻ em chăm ngoan, học giỏi được tặng thưởng, những trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn cũng được tặng quà, động viên, trẻ em ốm đau, tật nguyền được thăm hỏi, hỗ trợ chữa bệnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Thân, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh - xã hội cho chúng tôi biết: Mặc dù công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em mới được chuyển giao về Sở Lao động, thương binh - xã hội, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em chưa được kiện toàn ở nhiều cơ sở, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới chất lượng của Tháng hành động vì trẻ em. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp tương đối tốt. Từ đầu tháng 5, Sở Lao động, thương binh - xã hội đã tham mưu với UBND tỉnh có Công văn số 126 về việc "Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam", đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn các huyện, thành, thị tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2008.
Tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em của tỉnh, Sở đã tổ chức gặp mặt, tặng quà cho 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiêu biểu trong học tập và rèn luyện đạo đức, trị giá mỗi suất quà 550.000 đồng. Sở cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Ninh Bình thực hiện phóng sự, ra chuyên trang tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Làm mới 60 panô, 80 băng zôn, 30.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chuyển xuống cơ sở.
Phối hợp với các địa phương tổ chức 14 diễn đàn của trẻ em và thực hiện 28 cuộc tư vấn cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Do chú trọng công tác tuyên truyền, nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được nâng lên. Bản thân các em cũng hiểu và xác định được trách nhiệm, bổn phận với gia đình, cộng đồng cũng như các biện pháp phòng ngừa, tránh để rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Giờ học vẽ tại Trung tâm TTN Ninh Bình. Ảnh: Phạm Trường
Để động viên các em không ngừng phấn đấu, vươn lên trong học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, Sở đã tham mưu, mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà trẻ em thuộc 4 trường mầm non ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Kim Sơn, thành phố Ninh Bình; thăm trẻ em đang học tập, sinh hoạt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, Sở Lao động, thương binh - xã hội còn phối hợp với Tổ chức SAP - VN tiến hành khám, đánh giá kết quả phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 50 cháu được mổ từ năm 2007; khám chỉ định phẫu thuật cho 32 cháu khuyết tật vận động.
Được biết, sắp tới những hoạt động vì trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra, với sự tham gia của các tổ chức, tập thể, cá nhân. Sở Lao động, thương binh - xã hội đã có kế hoạch tổ chức đưa 3 em mắc bệnh tim, 4 em mắc bệnh về mắt và 3 trẻ em sứt môi hở vòm họng đi phẫu thuật theo chương trình do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ.
Đồng thời tổ chức lễ trao học bổng do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng 42 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học khá, giỏi năm học 2007-2008. Tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức 2 diễn đàn của trẻ em và 17 cuộc tư vấn cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tổ chức lắp đặt thiết bị vui chơi cho trẻ em tại xã Khánh An (Yên Khánh) bằng kinh phí của tỉnh. Tham mưu, mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà nhân dịp Tết Trung thu 2008.
Hà Trang