Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình thảo luận tại tổ đại biểu số 17, cùng các đoàn: Hà Giang, Tiền Giang, Bình Phước. Đa số ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận đều cơ bản nhất trí với đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012.
Theo đó, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 có nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp đúng đắn, kịp thời, nhờ đó cán cân thương mại đã cải thiện rõ rệt, xuất siêu 780 triệu USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư gần 9 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81% thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% năm 2011. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng kinh phí bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội đạt 35,8% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2011.
Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường, ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03%, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của Quốc hội tăng từ 6-6,5%. Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao.
Khu vực doanh nghiệp, động lực chính tạo ra của cải, vật chất, việc làm gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011...
Về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực thực hiện các giải pháp về chính sách và điều hành nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn để đạt mục tiêu năm 2013.
Đối với quản lý ngân sách, có ý kiến cho rằng, công tác quản lý chi đã có tiến bộ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện khá tích cực.
Tuy nhiên, việc chi cho một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế... không đạt dự toán. Vì vậy, cần phải nâng cao chất lượng công tác lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, từng bước hoàn thiện cơ chế chi để tạo điều kiện cho các đối tượng hưởng thụ sớm được tiếp cận chương trình.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, việc nền kinh tế chuyển nhanh từ trạng thái nhập siêu lớn trong nhiều năm sang xuất siêu trong khi cơ cấu giữa các khu vực kinh tế, cơ cấu ngành hàng và cơ cấu thị trường chưa được cải thiện nhiều, chưa hẳn là dấu hiệu tích cực hoàn toàn và chưa mang tính bền vững mà phản ánh một phần thực trạng là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế đang bị suy yếu, sản xuất vẫn chưa phục hồi.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn so với kế hoạch đã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Theo đại biểu để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2013, Chính phủ cần triển khai các biện pháp mạnh hơn nhằm giảm hàng hóa tồn kho và giảm nợ xấu, có giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, khai thông thị trường bất động sản theo chủ trương đã ban hành.
Đặc biệt, Chính phủ nên xem xét có cơ chế bảo lãnh để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đã có phương án sản xuất kinh doanh nhưng chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị các bộ, ngành rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, giảm, trên cơ sở đó lựa chọn các dự án trọng điểm, công trình dở dang để tiếp tục bố trí vốn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.
Về công tác điều hành ngân sách, một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt, đời sống của nhân dân, trong chi tiêu ngân sách nhà nước, giảm hội họp, hạn chế tổ chức lễ hội, kỷ niệm thành lập ngành, cắt giảm các đoàn đi công tác nước ngoài bằng nguồn ngân sách, kể cả đối với các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu nhà nước nắm quyền chi phối.
Kiểm soát chặt chẽ chi dự phòng và các khoản chuyển nguồn, đồng thời có phương án xử lý nhanh các khoản nợ đọng, đặc biệt là nợ đọng đối với doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản.
Tham gia ý kiến trên lĩnh vực an sinh xã hội, đại biểu Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình) kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu, đi đôi tăng cường nguồn lực cho công tác giảm nghèo, đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo một cách thực chất và bền vững.
Liên quan đến Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng, việc tái cơ cấu đầu tư công phải gắn với cải cách thể chế, đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhằm thay đổi rõ rệt phương thức phân bổ nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Ngoài ra cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải công bố công khai, minh bạch thông tin như quy định đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tin, ảnh: Quốc Khang