Trên địa bàn thành phố Ninh Bình, ước tính hiện nay có trên 300 người hành nghề chính là xe ôm. Dù phải cạnh tranh với sự gia tăng của các phương tiện vận tải công cộng như xe búyt, taxi… nhưng nghề xe ôm trên địa bàn thành phố vẫn phát triển. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của loại hình "xe ôm", thành phố Ninh Bình đã thành lập mô hình "Tổ xe ôm tự quản về ANTT" để quản lý, đưa hoạt động xe ôm vào quy củ, bảo đảm ANTT và ATGT… Bước đầu ý thức của đội ngũ hành nghề xe ôm đã có chuyển biến rõ rệt, công tác đảm bảo ANTT được nâng lên.
Phải nói rằng, những người hành nghề xe ôm hiện nay chủ yếu là lao động nghèo, trình độ văn hóa còn hạn chế. Thời gian qua, vì chưa có cơ quan quản lý, hỗ trợ nên việc hành nghề xe ôm còn trong tình trạng lộn xộn, mạnh ai nấy làm. Điều đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, giành giật khách gây mất ANTT, ngoài ra còn vi phạm chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, nằm, ngồi trên xe trong lúc chở khách gây mất mỹ quan đô thị và cản trở giao thông, thậm chí còn xảy ra tình trạng trực tiếp hay gián tiếp tiếp tay cho bọn tội phạm cũng như vận chuyển, chứa chấp tài sản trộm cắp, tội phạm ma túy, để lại hình ảnh không đẹp trong mắt người dân cũng như hành khách đi xe. Để khắc phục tình trạng đó, thành phố Ninh Bình đã thành lập mô hình "Tổ xe ôm tự quản về ANTT", gồm 19 tổ với 201 thành viên. Mỗi tổ đều được trang bị đầy đủ quần áo đồng phục, biển hiệu thống nhất, rõ ràng; hoạt động theo quy ước và tại các điểm đỗ xe đã được quy định. Đồng chí Vũ Văn Bằng, Phó Trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Công an thành phố xác định việc phát triển mô hình "Tổ xe ôm tự quản về ANTT" và đưa hoạt động của người lái "xe ôm" trên địa bàn vào quy củ là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự tại các điểm đón khách đi xe ôm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người lái xe ôm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT trên địa bàn, xây dựng thành phố trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện; tạo sự đoàn kết giữa những người cùng hành nghề xe ôm, đồng thời tạo dựng lòng tin và hình ảnh đẹp với người dân thành phố và khách du lịch đến tham quan; khắc phục được tình trạng chèo kéo, tranh giành khách gây mất trật tự và ATGT. Những năm trước đây, nhiều phường trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã thành lập mô hình "Tổ xe ôm tự quản" nhưng quy chế hoạt động của các tổ chưa thật sự chặt chẽ, buông lỏng quản lý, điểm đậu đỗ xe chưa rõ ràng, trang phục không thống nhất,... dẫn đến mô hình hoạt động không hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh và thành phố Ninh Bình, Công an thành phố Ninh Bình đã tiến hành củng cố lại các tổ xe ôm tự quản, khảo sát bố trí các điểm đỗ cho các tổ xe ôm; ban hành quy ước hoạt động của Tổ và quy định 20 điểm đỗ xe trên địa bàn 11 phường, xã. Mỗi tổ có 1 tổ trưởng, 1 tổ phó được bầu trên cơ sở tín nhiệm của các thành viên trong tổ. Chính thức ra mắt 19 tổ "xe ôm tự quản về ANTT" trên địa bàn thành phố từ ngày 31-12-2015. Theo đánh giá của Công an thành phố Ninh Bình, các tổ xe ôm tự quản đều tự giác nghiêm chỉnh chấp hành các quy ước, quy định đề ra, tình hình ANTT tại các khu vực đi vào nền nếp, các tổ xe ôm tự quản rất tích cực phối hợp với chính quyền, lực lượng công an trong việc phát giác các đối tượng tình nghi vi phạm pháp luật, cùng cơ quan công an khám phá nhiều vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội. Nhiều điểm trước đây thường xuyên diễn ra tình trạng lộn xộn, tranh giành khách, gây mất ANTT như khu vực Bến xe, Bệnh viện, ngã ba, ngã tư nơi tập trung đông người đã được giảm hẳn, tình trạng "chặt, chém" khách được hạn chế, củng cố được niềm tin đối với khách đi xe, góp phần giữ gìn ANTT, đảm bảo TTATGT.
Để mô hình này đi vào hoạt động hiệu quả. Công an thành phố sẽ thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy ước, quy định đã đề ra đối với các tổ, việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông, quy định về trật tự đô thị; thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người lái xe ôm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, chống tội phạm, sẵn sàng phối hợp giúp đỡ và cung cấp thông tin về hoạt động của tội phạm cho cơ quan công an; duy trì kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi Tổ các trường hợp cố tình vi phạm; tham gia sinh hoạt định kỳ với Tổ tự quản, có hình thức khen thưởng, động viên những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh với tội phạm.
Bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam