Ngay sau khi nhận được tin, với tinh thần kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm, chỉ trong thời gian ngắn, Công an thành phố Ninh Bình đã điều tra làm rõ vụ việc. Bắt giữ Lê Văn Hùng, sinh năm 1991 trú ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa), thu khẩu súng và 3 viên đạn. Còn Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1976 trú ở phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) sau một thời gian lẩn trốn, biết không thể thoát đã đến Công an thành phố Ninh Bình đầu thú và từ đây bức màn bí ẩn được vén lên.
Sự việc bắt đầu từ năm 2011, khi Đinh Tiến Dũng đến gặp vợ chồng chị Trần Thị Thục Anh và anh Nguyễn Văn Xoan ở phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) vay tiền để kinh doanh. Dũng còn vạch ra và bàn với chị Thục Anh cùng nhau mua máy móc làm công trình, lập doanh nghiệp để chị làm giám đốc. Tính đến tháng 10-2012, số tiền Dũng vay của vợ chồng chị Thục Anh cả vốn lẫn lãi lên đến hơn 12 tỷ đồng.
Do làm ăn thua lỗ, không có cách nào để trả số tiền vay của vợ chồng chị Thục Anh, Dũng luôn tìm cách khất nợ, thường đi lang thang không ở đâu cố định. Thấy "con nợ" không những không trả mà còn có biểu hiện lẩn trốn, vợ chồng chị Thục Anh ngày đêm cất công đi tìm. Khi phát hiện được Dũng cùng với bạn đang ngồi tại quán cà phê Trung Nguyên ở đường Lê Hồng Phong, phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình), vợ chồng chị Thục Anh lập tức đến ngay. Hai bên đã xảy ra cãi vã, to tiếng, rồi Dũng lấy khẩu súng bắn đạn bi để trong túi xách mang theo đưa cho Lê Văn Hùng khống chế chồng chị Thục Anh giúp hắn bỏ chạy. Do chị Thục Anh chặn cửa ra vào không chịu mở, Dũng xông đến cắn vào tay và đạp vào bụng để cả hai chạy ra ngoài. Khi đã chui được vào ô tô, Lê Văn Hùng liền hạ kính xe xuống, nhằm vào quán bắn 3 phát đạn làm tấm kính cửa bị thủng 3 lỗ rồi lái xe bỏ trốn.
Trước đó, ngày 22-9-2012 ở địa bàn huyện Nho Quan cũng xảy ra vụ bắt người trái phép có liên quan đến việc vay nợ tiền. Nguyễn Thị Quy, sinh năm 1974 trú ở xã Lạng Phong, hiện là giáo viên Trường Tiểu học xã Văn Phong vay 120 triệu đồng của gia đình chị Bùi Thị Quyên ở xã Đồng Phong (huyện Nho Quan) để chi tiêu và giải quyết việc riêng. Do con nợ quá "lỳ", không chịu trả, hôm đó vợ chồng chị Quyên biết Nguyễn Thị Quy đang cùng các giáo viên trong trường liên hoan tại Nhà hàng Lâm Thúy ở xã Văn Phương thì vội kéo đến, dùng vũ lực khống chế bắt lên xe taxi trở về nhà mình để yêu cầu thanh toán nợ.
Đây chỉ là 2 vụ án điển hình trong việc giải quyết nợ bằng bạo lực. Đinh Tiến Dũng, Lê Văn Hùng đã bị cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Ninh Bình khởi tố và ra lệnh bắt giam về hành vi gây rối trật tự công cộng. Vợ chồng Bùi Thị Quyên cũng bị cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Nho Quan khởi tố về hành vi bắt người trái pháp luật. Sự việc đã quá rõ ràng, rồi đây các đối tượng này phải chịu sự phán quyết nghiêm minh của pháp luật.
Song, điều đáng nói là tình trạng vay và giải quyết nợ hiện đang diễn ra hết sức phức tạp. Thực tế trong thời gian qua, do không có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng nên nhiều người đành phải tìm đến người thân hoặc các chủ nợ cho vay lãi. Đa số các vụ việc trên giữa người cho vay và người vay là các thỏa thuận cá nhân, không có giấy tờ, hợp đồng công chứng nên việc giải quyết bằng pháp luật rất khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng lừa đảo tín dụng trong nhân dân với thủ đoạn huy động vốn vay số lượng lớn, "tín dụng đen", vay với lãi suất cao nhưng không có khả năng thanh toán dẫn đến khiếu kiện kéo dài, chủ nợ dùng bạo lực để đe dọa, khống chế, bắt cóc, siết nợ hoặc sử dụng các băng nhóm tội phạm hình sự, đối tượng lưu manh chuyên nghiệp đòi nợ thuê, bất chấp pháp luật, gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng.
Để phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn, không để các vụ việc tương tự xảy ra tại địa bàn tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với công an các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác nắm tình hình vay nợ, "tín dụng đen" trong nhân dân; tập trung phát hiện những đối tượng vay và cho vay lớn có khả năng vỡ nợ, vỡ hụi để có kế hoạch chủ động phòng ngừa các vấn đề phức tạp phát sinh.
Đối với các vụ việc vỡ nợ, vỡ hụi xảy ra nếu có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng chiếm đoạt tài sản phải tập trung làm rõ và xử lý nghiêm theo pháp luật. Những vụ việc mang tính chất dân sự cần hướng dẫn người bị hại giải quyết theo đúng pháp luật. Đối với các vụ đâm chém lẫn nhau, đe dọa cưỡng đoạt tài sản sử dụng các băng nhóm tội phạm hình sự, đối tượng lưu manh chuyên nghiệp đòi nợ thuê cần khẩn trương điều tra làm rõ đối tượng chủ mưu và các đối tượng tham gia để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Song, điều chủ yếu là cách giải quyết nợ giữa người cho vay và người vay. Thiết nghĩ, khi có mâu thuẫn nảy sinh cần làm đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền can thiệp, giải quyết, không tự ý dùng bạo lực để giải quyết nợ, hậu quả vừa không giải quyết được mà còn vướng vào vòng lao lý.
Văn Công
(Công an tỉnh)