Cờ bạc là một trong những tệ nạn xã hội bám rễ lâu đời trong đời sống nhân dân ta từ xưa đến nay. Người xưa có câu "Cờ bạc là bác thằng bần", "Đánh đề ra đê mà ở", tuy nhiên những lời khuyên răn này chẳng đủ để cảnh tỉnh nhiều con nghiện máu mê vì ma lực của đồng tiền. Bên cạnh những loại hình cờ bạc "truyền thống" như tổ tôm, xóc đĩa, chắn, nay phát sinh thêm nhiều trò khác như: bi-a, cá độ bóng đá, tá lả, lô đề. Đối tượng thì đủ mọi thành phần, già trẻ, lớn bé, từ thanh, thiếu niên đến độ tuổi trung niên. Tệ cờ bạc diễn ra quanh năm nhưng rộ nhất vào dịp lễ, Tết đầu xuân thường nhộn nhịp hơn, từ nông thôn tới thành thị.
Hiện nay, tệ nạn cờ bạc trong đó kiểu chơi lô đề đang tồn tại ở nhiều nơi, điều đáng chú ý là đã xuất hiện ở một bộ phận thanh, thiếu niên còn rất trẻ. Đây lại là những người đang trong độ "ăn chưa no, lo chưa tới". Nhiều em vốn là học sinh, sinh viên ngoan ngoãn, học giỏi nhưng vì sự lôi kéo của một bộ phận thanh, thiếu niên hư và học đòi theo thói xấu của người lớn nên sa chân vào tệ nạn. Lúc đầu là đánh nhỏ, sau cứ lớn dần rồi thua đậm nợ đến cả chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Cờ bạc dẫn đến hậu quả đau lòng như: Trộm cắp, vợ chồng mâu thuẫn, cha con đánh chửi nhau, nhà cửa tan nát, học sinh bỏ học, nghiện hút, thậm chí giết người, cướp của… ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự của địa phương. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm phát hiện, ngặn chặn tệ nạn này, song kết quả còn hạn chế. Để hạn chế đến mức thấp nhất tệ nạn cờ bạc cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, phát động quần chúng nhân dân lên án mạnh mẽ tệ nạn này, đi đôi với tăng cường tuần tra, kiểm tra các tụ điểm dễ phát sinh tệ nạn như: Nhà ga, bến xe… Có biện pháp bảo vệ và khen thưởng kịp thời đối với những người có trách nhiệm, làm tai mắt tố cáo, thông báo cho lực lượng an ninh, đồng thời xử lý nghiêm khắc với các đối tượng bao che, tiếp tay cho kẻ xấu.
Thùy Phương