Theo điều tra của ủy ban An toàn giao thông quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 đến 35, gần 80% sinh viên đi xe máy không có giấy phép lái xe, 95% sinh viên điều khiển xe sai kỹ thuật.
Đặc biệt nhiều học sinh, sinh viên không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường. Theo một đồng chí Cảnh sát giao thông Công an thành phố Ninh Bình thì đa số các trường hợp đi mô tô, xe máy vượt đèn đỏ, đèo 3, đèo 4 lại không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường bị bắt và xử lý chủ yếu là ở lứa tuổi thanh niên. Những con số này cho thấy rằng ý thức tham gia giao thông của thanh niên, học sinh, sinh viên còn hạn chế. Ngay trên địa bàn thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp bất chấp các biển hiệu đường một chiều, hai chiều, dải phân cách, vạch vôi chỉ làn đường, các bạn trẻ vẫn giàn hàng ba, hàng bốn đi vào chiều ngược lại. Các thanh niên, học sinh này nêu lý do như: "Chỉ còn một đoạn là đến trường, sang đường vòng lại vừa xa lại vừa mất thời gian". "Đi xe đạp gần nhau còn nói chuyện"... Nhưng họ không biết rằng sự tiện lợi cho cá nhân mình lại chính là những bất lợi và nguy hiểm cho tất cả những người đang tham gia giao thông. Việc làm của họ dễ gây ra TNGT và ùn tắc giao thông. Cũng theo thống kê của Ban An toàn giao thông, số người chết do tai nạn giao thông lớn nhất ở độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi (chiếm 49% người chết). Đó thật sự là con số đáng báo động về hậu quả của việc thiếu ý thức khi tham gia giao thông của giới trẻ hiện nay. Trước thực trạng trên, để lứa tuổi thanh niên nêu cao được ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm TTATGT thì những hành động nguy hiểm thường gặp của thanh niên như lạng lách, đua xe máy, vượt đèn đỏ, đi hàng 3, hàng 4 trên đường... là nguồn gốc của nhiều tại nan giao thông cần bị xã hội lên án.
Các cấp chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo Đoàn thanh niên làm tốt việc tuyên truyền, vận động thanh niên gương mẫu chấp hành pháp luật về TTATGT. Để lứa tuổi thanh niên nêu cao được ý thức trong bảo đảm TTATGT cần sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần đa dạng hóa các sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên để tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên các quy định của pháp luật về TTATGT.
Hàng năm, ngành chỉ đạo các trường học chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức học luật và sát hạch cấp giấy phép lái xe tại trường đối với những học sinh đủ tuổi. Ngoài ra, các trường học cần coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên. Nhưng điều quan trọng nhất là mỗi học sinh, sinh viên cần có ý thức thay đổi thái độ và hành vi của mình để những hành vi tham gia giao thông của các bạn trẻ không trở thành nỗi nguy hiểm cho chính bản thân và là nỗi sợ hãi cho người đi đường, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu TNGT và chống ùn tắc giao thông.
Bài, ảnh: Trần Dũng