Thực trạng văn học nghệ thuật - "Trăm hoa đua nở"
Đó là hình ảnh để người ta dễ tưởng tượng về nghề viết sau 20 năm đổi mới, và đặc biệt là những năm gần đây. Theo nhà văn Ninh Đức Hậu (Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình): Trước tiên phải nói về xuất bản, nơi cho ra lò các tác phẩm văn học. Những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, được xuất bản một tập sách coi như đánh giá sự thành công của tác giả. Hằng năm, mỗi nhà xuất bản chỉ in vài chục đầu sách, được chọn lọc rất kỹ và là những tác phẩm thực sự công phu, tâm huyết của tác giả.
Sau 20 năm đổi mới, công tác xuất bản đã góp phần cho sự phát triển của văn học nước nhà, những khuynh hướng sáng tác đa giọng điệu được khuyến khích đã làm nên gương mặt mới của văn học. Nhưng cùng với đó là sự xuất hiện của các loại sách tầm tầm. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, có nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các tác giả được tạo điều kiện để công bố tác phẩm nên lượng xuất bản sách ngày càng tăng. Bình quân hằng năm, mỗi Hội VHNT địa phương hỗ trợ xuất bản từ 30-50 đầu sách đủ các thể loại, chưa kể các tổng tập, tuyển tập của các Hội với khuôn khổ và số lượng lớn. Không khí "trăm hoa đua nở" chưa từng thấy ấy có sự hỗ trợ nhiệt tình của các nhà xuất bản, vì các nhà xuất bản làm dịch vụ, chỉ cần tác phẩm không vi phạm là được. Tác giả chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật. Có người một năm cho ra vài, ba tập do các nhà xuất bản danh giá xuất bản, nhờ người có tên tuổi viết lời tựa, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng… Tình trạng in sách tràn lan, chất lượng hạn chế đã làm nản lòng bạn đọc, làm công chúng thờ ơ với sách.
Cùng với xuất bản, các cuộc thi và giải thưởng cũng "trăm hoa đua nở". Cuộc thi của văn học, báo chí, của các ngành từ Trung ương đến địa phương, cuộc thi dài hạn, ngắn hạn, thi đề tài, thi chào mừng... Dẫn đến tình trạng hàng loạt các tác phẩm "thường thường bậc trung" đã đạt giải. Nhà văn Ninh Đức Hậu nêu ra thực trạng: Có những giải thưởng vốn danh giá nay bị hạ xuống, như giải thưởng hàng năm của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trước kia xét tặng cho tất cả các văn nghệ sỹ trên toàn quốc, giờ đổi quy chế chỉ xét tặng cho hội viên các hội văn nghệ địa phương. Thế là bỏ qua những tác phẩm có giá trị của hội viên các hội chuyên ngành Trung ương. Giải thưởng của cơ quan đại diện các Hội VHNT Việt Nam trở thành giải tỉnh kéo dài.
Đồng quan điểm với nhà văn Ninh Đức Hậu, nhà văn Ngọc Bái cho rằng: Chưa bao giờ chuyện "trăm hoa đua nở" trong sáng tác văn học lại sôi động như lúc này. Từ các hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT các tỉnh cho đến các câu lạc bộ từ Trung ương đến địa phương đều nô nức ra sách. Sách xuất bản quá nhiều khiến độc giả không đọc xuể. Rồi văn học trên mạng Internet cũng ngày càng hùng mạnh, chỉ có điều nói đến chất lượng tác phẩm thì phải xem xét.
Để nâng cao tính chuyên nghiệp cho văn học?
"Tính chuyên nghiệp" phải được thể hiện rõ ở tác phẩm, chỉ có tác phẩm mới định giá được lao động của tác giả. Có thể tác giả không chuyên nghiệp nhưng tác phẩm in ra phải đạt "tính chuyên nghiệp". Lỗi để cho văn học ngày càng "nghiệp dư hóa" là do ở cả ba công đoạn: viết, xuất bản và người đọc. Đã đến lúc phải đề cập nhiều hơn đến văn hóa viết, văn hóa đọc và văn hóa xuất bản, đây là mấu chốt liên quan đến sứ mệnh của văn học nước nhà.
Nhà văn Trần Nhuận Minh nói: Chuyên nghiệp hóa văn học là nói chuyên nghiệp hóa ngòi bút của chính mình. Ở điểm này, nếu có lỗi trong nghiệp dư hóa là lỗi tự ta, lỗi tại ta, không thể đổ cho khách quan được, dù nó có tác động vào đó ít nhiều. Có nhà văn, nhà thơ vài ba năm mới thấy đăng báo 1 chùm thơ, 1 truyện ngắn, dăm bảy năm mới xuất bản một đầu sách, vậy mà đọc lên, thấy vững vàng, sâu sắc. Nghĩa là vẫn chuyên nghiệp 100%. Cho nên chống nghiệp dư hóa là chống ở chính mình. Không nên tự nghiệp dư hóa chính mình, rồi sau đó tự chìm trong biển sóng nghiệp dư hóa của đời sống văn học hiện nay...
Theo nhà văn Đặng Hiền thì, chuyên nghiệp hóa văn chương phải đi liền với việc bảo vệ tác quyền của nhà văn. Về mặt tổ chức, các hội VHNT các cấp phải có những hoạt động nâng cao nghiệp vụ cho hội viên như tổ chức các cuộc hội thảo, các khóa bồi dưỡng, các cuộc giao lưu, trại sáng tác, đi thực tế và đầu tư cho các tác giả có đề cương tác phẩm nhiều triển vọng. Nhưng điều quan trọng nhất là phải xây dựng được quỹ hội bằng những thu nhập từ chính nghề nghiệp của mình từ xuất bản, nhà in, công ty sách... và sự đóng góp của các nhà văn có thu nhập từ các tác phẩm. Một điều nữa văn chương chuyên nghiệp phải có người đọc, phải hướng về người đọc. Người đọc có nhiều thành phần. Nếu tác phẩm thu hút được nhiều thành phần độc giả thì càng tốt, chí ít cũng phải được một vài thành phần ưa thích.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm