Giấc mơ của những đứa trẻ
Bé T.A năm nay đã 4 tuổi, bé xinh như thiên thần. Ngày nào T.A cũng tự giác uống thuốc đúng giờ. Câu hỏi của bé có thể khiến người lớn phải nghẹn lòng: Con ngoan sao không bạn nào chơi với con ? Sao con không được đến trường ? Những lúc ấy, chị T., mẹ của bé chỉ biết khóc, chị thương con và thương thân.
Đó là một người đàn bà đẹp, những đau khổ đời người không vùi dập được vẻ đẹp mặn mòi của chị. T kể, thuở mười tám, đôi mươi, chị đem lòng yêu anh hàng xóm. 20 tuổi, chị cưới, 1 năm sau đó, hạnh phúc nhân lên khi vợ chồng chị sinh cậu con trai đầu lòng, T.A là tên của bé. Một năm sau đó nữa, chồng T. qua đời. Chị đã tưởng mình không sống nổi, nhưng tai ương nối tiếp tai ương, khi lúc này T mới biết người chồng nhất mực hiền lành của mình chết vì AIDS, và T cùng con trai cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Chồng chết, nhà nghèo, không có công ăn việc làm chị muốn ôm con tự vẫn cho xong, nhưng nghĩ đến đứa bé vô tội chị lại gắng gượng để sống. Ngày ngày chị nhận cói về để đan đồ thủ công. Chăm chỉ lắm thì mỗi tháng cũng chỉ kiếm được mấy trăm ngàn, không đủ tiền chi phí cho cuộc sống tối thiểu của 2 mẹ con, bé T.A lại ốm suốt, đi viện như cơm bữa…
May mắn mỉm cười với mẹ con chị khi nhóm Vì ngày mai tươi sáng (Kim Sơn) tìm đến nhà. Không chỉ được các thành viên trong nhóm chia sẻ, động viên và giúp đỡ để ổn định cuộc sống, chị T và con trai còn được tiếp cận với nguồn thuốc ARV miễn phí và được tư vấn về cách chăm sóc cũng như phòng lây nhiễm. Nhưng thẳm sâu trong lòng người thiếu phụ ấy là một nỗi đau khôn nguôi mỗi lần nghe con hỏi "Sao các em không chơi với con? Sao mẹ không cho con đến trường?"
Năm nay, con gái chị K (Hoa Lư) đã 5 tuổi. Hàng ngày, bé nhìn thấy bạn bè được bố mẹ cho đi học thì cũng nằng nặc đòi mẹ cho đi lớp. Thương con, chị gạt nước mắt, quyết định cho con đi học mầm non cùng bạn bè. Và điều chị lo lắng cũng đã đến. Một hôm đến đón con sớm chị thấy con lủi thủi ngồi trong góc lớp chơi một mình. "Về nhà gặng hỏi bé mới nói, con không hiểu tại sao các bạn không ai chơi với con, không chịu ngồi ăn chung bàn với con, chơi chung đồ chơi với con…" Câu hỏi ngây thơ của con trẻ, chị K chỉ biết ôm chặt con khóc rưng rức và cảm thấy có tội với con. Từ đó, chị K để con ở nhà, làm gì chị cũng phải cho con đi theo.
Phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố Ninh Bình.
Cần lắm tình yêu thương vô tận
Theo thống kê của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 60 trẻ có H, hầu hết các cháu ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Mỗi bé một hoàn cảnh, một số phận, song cùng giống nhau ở khát vọng được đến trường. Tuy vậy, hành trình đến trường của trẻ có H vẫn còn nhiều khó khăn vì nhiều lý do như kinh tế, sự kỳ thị phân biệt đối xử, sợ mọi người biết…
Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, lãnh đạo trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết: Trước đây chúng ta đã tuyên truyền thái quá về HIV, đó là căn bệnh thế kỷ, là bản án tử hình… Chính cách tuyên truyền một chiều đó đã khiến đa số người dân hiểu lệch lạc về căn bệnh này. Người dân thường có tâm lý sợ hãi, lo lắng rồi dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử khi phát hiện ra trong lớp học của con em mình có những trẻ bị nhiễm H, từ đó, gây áp lực lớn đối với nhà trường nhận trẻ bị H… Đã đến lúc, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức cho mỗi người dân, giúp họ hiểu đúng về căn bệnh này để đón nhận, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em có H.
Thực tế là cho đến nay, trên toàn thế giới cũng như Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ em nào bị lây nhiễm HIV bởi các trẻ em khác qua tiếp xúc hay sinh hoạt bình thường mà chỉ có lây từ mẹ sang con. Trẻ "có H" hiện nay đã được điều trị miễn phí bằng thuốc ARV nên các em có thể kéo dài cuộc sống thêm hàng chục năm. Phần lớn trẻ được điều trị bằng ARV không tìm thấy virus HIV trong máu, các em cũng khỏe mạnh như những trẻ bình thường khác. Điều đó cho thấy, khả năng lây nhiễm HIV của những trẻ chơi chung với nhau là rất khó, hầu như không thể xảy ra. Do đó, không gì có thể cản trở đến quyền được học tập của các em.
Con cái là niềm hy vọng của cha mẹ, là tương lai của đất nước nên ngoài nỗ lực của ngành y tế, bản thân mỗi ông bố, bà mẹ cũng nên chủ động trong việc xét nhiệm HIV trước và trong khi mang thai để giảm tỷ lệ trẻ lây nhiễm HIV qua mẹ. Ngay cả những người mẹ mang H vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh nếu được sớm tư vấn và điều trị dự phòng. Bởi từ năm 2006, tỉnh ta được thụ hưởng các nội dung của chương trình can thiệp giảm thiểu tác hại lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Với sự hỗ trợ tư dự án này, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Bệnh viện Sản-nhi tỉnh, Trung tâm y tế Kim Sơn đã cung cấp các gói giảm tác hại lây truyền HIV từ mẹ sang con với nhiều hoạt động cụ thể như: đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ; các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền này. Đồng thời, phối hợp giữa các ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền cho đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai về tình dục an toàn, phòng tránh có thai ngoài ý muốn, tư vấn cho phụ nữ sự cần thiết thực hiệm khám sàng lọc, xét nghiệm HIV sớm.
Những phụ nữ mang thai khi xét nghiệm HIV sớm sẽ được bác sỹ của Trung tâm hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con và được Trung tâm triển khai các biện pháp can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Theo thống kê, từ khi triển khai thực hiện dự án đến nay, toàn tỉnh đã tư vấn, xét nghiệm HIV cho gần 150.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phát hiện 69 bà mẹ mang thai nhiễm HIV, đã có 51 phụ nữ được điều trị, số trẻ sinh ra được can thiệp, điều trị thành công là 49/51 trẻ, đạt tỉ lệ 96%. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2014, trong số 6 đứa trẻ sinh ra bởi người mẹ có H thì chỉ có 1 trường hợp dương tính với HIV. Đáng chú ý là trường hợp duy nhất dương tính với HIV này rơi vào bà mẹ không trải qua giai đoạn điều trị, can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Nguyễn Hùng