Để tiếp cận được đối tượng, chúng tôi theo chân chị Vĩnh, cán bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội xã Gia Thủy đến trao tiền bảo trợ xã hội cho mẹ con chị Dương Thị Xuân. Dưới cái nắng nóng gay gắt với nền nhiệt lên tới 39oC, ngôi nhà vẫn đóng cửa im ỉm. Vài lần gọi, cánh cửa mới hé mở. Trong ngôi nhà chưa đầy10m2, thấp lè tè và nóng như chảo lửa, một người phụ nữ trắng bệch bạc, gầy nhom đang cầm chiếc quạt nan xua xua đám khói mù mịt được bốc lên từ…góc nhà. Nhìn kỹ, hóa ra chị ta đang …đun nước ở góc nhà.
Như chợt nhớ ra, người mẹ nhanh tay kéo tấm ri đô nhàu nhĩ che chiếc giường có cô con gái chừng 7 tuổi đang ngồi. Thấy có người lạ, cô bé trùm vội chiếc chăn bông lên đầu. Vừa xua khói, chị Xuân vừa xua chúng tôi như đuổi …gà rồi đóng sầm cửa lại. Chị Vĩnh bảo, đã hơn 1 năm nay, mẹ con chị Xuân sống cuộc sống không tiếp xúc với cộng đồng. Mỗi lần tìm cơ hội tiếp cận với mẹ con chị Xuân thì cũng chỉ được vài phút là bị gia chủ đuổi ra khỏi nhà.
Để hiểu rõ hơn về cuộc sống của mẹ con người đàn bà ấy, chị Vĩnh dẫn chúng tôi đến nhà mẹ đẻ chị Xuân, chỉ cách nhà chị Xuân có vài ngõ. Mẹ chị Xuân là bà Trần Thị Sở năm nay đã ngoài 80 tuổi và đang ở với người con trai út. Bà Sở cho biết, trước đây, chị Xuân vốn là người bình thường. Như bao thôn nữ, chị Xuân được cái nết hay lam, hay làm. Trưởng thành, chị đem lòng yêu và quyết định gắn bó cuộc đời với một người đàn ông đã góa vợ ở xã Xích Thổ (Nho Quan).
Cuộc sống của vợ chồng trẻ tuy còn khó khăn, song lúc nào cũng ngập tràn hạnh phúc, nhất là khi cô con gái đầu lòng chào đời. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, khi con gái được 2 tuổi, vợ chồng chị Xuân bắt đầu có những bất đồng ý kiến. Lý do, là vì chị Xuân muốn chồng cùng về quê ngoại để làm nhà và lập nghiệp, song chồng chị không đồng ý. Nhiều lần thuyết phục không được, chị Xuân giận dỗi bồng con gái về nhà mẹ ở, năm sau thì dựng được gian nhà nhỏ gần đó.
Thời gian đầu, thì chồng chị còn thỉnh thoảng về thăm vợ, con. Theo thời gian, những lần về thăm ấy thưa dần rồi hết hẳn. Chồng chị Xuân đã đi theo người đàn bà khác. Có lẽ, cú sốc ấy là khá nặng nề đối với chị Xuân. "Thời gian gần đây, con gái tôi có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Nó không tiếp xúc với ai kể cả tôi và em trai nó. Đặc biệt, hơn một năm nay, nó có cách quản lý con rất không bình thường. Nó không cho con ra khỏi nhà, không cho cháu tiếp xúc với bất kỳ ai, không cho con bé được đến trường…"- bà Sởi thở dài.
Trao đổi với ông Đinh Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy về trường hợp này, ông Phương cho biết, đây là trường hợp rất đặc biệt. UBND xã đã có nhiều biện pháp hỗ trợ gia đình song đều không được chị Xuân hợp tác. Năm ngoái, xã Gia Thủy kéo cho gia đình chị Xuân đường dây điện để dùng song đối tượng kiên quyết dứt dây ra, không dùng điện. Khi địa phương đến nhà hỗ trợ sách vở, vận động gia đình cho cháu bé đến trường thì chỉ được vài ngày là mẹ bé bắt bỏ học. Ngày nhận tập vở, cháu bé vui vẻ, hoạt bát lắm. Thế mà bây giờ, cháu bé đã khác hẳn, nhìn ai bé cũng sợ sệt, hoảng loạn… "Chúng tôi rất muốn giải cứu cháu bé khỏi tình trạng hiện nay, song vẫn chưa tìm ra được giải pháp phù hợp. Mặt khác, mẹ con chị Xuân vẫn còn gia đình hai bên nội, ngoại. Chúng tôi muốn trước mắt gia đình chị Xuân nên tích cực tìm phương án tốt nhất cho cháu bé" - ông Phương cho biết.
Tháng sáu là tháng của tình yêu mà toàn xã hội dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hơn cả tình yêu, bé Thủy đang mong mỏi những hành động quyết liệt hơn của gia đình và địa phương để sớm thoát khỏi cuộc sống như hiện tại, để bé được hưởng thụ cái quyền đơn giản nhất ấy là được sống, được đến trường, được vui chơi và được yêu thương như bất kỳ một trẻ em nào. Tương lai của bé không thể để bị giam giữ bởi một người "không bình thường", dù rằng người "không bình thường" ấy đã mang nặng đẻ đau ra bé.
Bài, ảnh: Đào Hằng