Công ty kế toán Đức Huy được thành lập từ năm 2010 với lĩnh vực chính là đào tạo kế toán. Từ đó đến nay, mỗi năm công ty tổ chức dạy nghề kế toán cho hơn 100 học viên. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty cho biết: Từng làm kế toán trong một doanh nghiệp nước ngoài, tôi hiểu rằng nhiều lao động mặc dù được đào tạo đúng chuyên môn, nhưng khi mới được tuyển dụng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức thực tế. Vì vậy, tôi quyết định mở Công ty chuyên đào tạo nghề kế toán. Trong thời gian đào tạo 6 tháng, học viên được học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đào tạo mang tính tương tác cao, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ và giỏi thực hành gắn liền với thực tế. Các học viên cũng được học tập và thực hành ngay trên máy tính, phần mềm… từ đó ngày càng khẳng định được chất lượng trong đào tạo. Trong khóa học 6 tháng, không chỉ được học lý thuyết, thực hành mà học viên còn được thực tập luôn trên chứng từ, nhờ đó mà các em khá thuần thục, vững vàng, tự tin về nghiệp vụ khi được tuyển dụng.
Sau gần 8 năm đi vào hoạt động, Công ty kế toán Đức Huy trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều học viên. Đáng chú ý là trong số những học viên theo học tại Công ty thì có trên 70% học viên là những người đã từng học kế toán nhưng vẫn muốn đi học thêm để bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Học viên Nguyễn Thị Huyền, quê ở xã Gia Tân, huyện Gia Viễn cho biết, em học đúng chuyên ngành kế toán, song khi dự tuyển tại một số doanh nghiệp thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng do thiếu kiến thức thực tế, thiếu các kỹ năng mềm. Vì vậy, em đăng ký học thêm tại công ty kế toán Đức Huy… Với những kiến thức được trang bị trong 6 tháng qua, em đã được Công ty TNHH Hà Thương tuyển dụng vào vị trí kế toán của doanh nghiệp.
Nếu như Công ty kế toán Đức Huy là một trong số ít doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề chất lượng cao thì Công ty TNHH Thành Hóa lại là đơn vị nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Doanh nghiệp được thành lập từ năm 1996, chuyên sản xuất và chế biến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu cói, tre nứa, bèo bồng. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, Công ty cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông Đỗ Trung Kiên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thành Hóa cho biết, hiện nay, có 17/19 xã, thị trấn của huyện Yên Khánh có nghề phụ do Công ty TNHH Thành Hóa trực tiếp truyền dạy và cung cấp các đơn hàng trong suốt những năm qua. Tính riêng năm 2017, Công ty đã tổ chức được 15 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Phòng dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), khi các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, người học được tiếp cận thực tế nhanh chóng, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành cũng như khả năng thích ứng với sự thay đổi công nghệ trong thực tế sản xuất. Qua tìm hiểu tại một số doanh nghiệp tham gia dạy nghề cho thấy, để triển khai hoạt động đào tạo nghề, doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, xây dựng giáo trình cũng như đội ngũ giáo viên giảng dạy có chất lượng và bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Khi tham gia đào tạo nghề, doanh nghiệp cũng có nhiều lợi ích khi nắm bắt được khả năng, đặc điểm đào tạo của nhà trường, từ đó phối hợp, tham gia cùng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của mình; các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, phục vụ hiệu quả nhu cầu công việc. Đối với người lao động, khi được các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề một cách bài bản, họ sẽ tiếp thu được các kiến thức tại cơ sở đào tạo và phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua thực tập tại doanh nghiệp; tiếp xúc, làm việc với những thiết bị tiên tiến, kỹ thuật hiện đại do doanh nghiệp đầu tư giúp cho người lao động không bị tụt hậu với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Trong Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 khẳng định: Cần phải thu hút doanh nghiệp tham gia mạnh vào phát triển nhân lực; đẩy mạnh gắn kết các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực; thể chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc phát triển nhân lực… Quan trọng là vậy, tuy nhiên, trên thực tế, số doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dạy nghề vẫn còn rất ít. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 36 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 5 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 9 cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp một cách bài bản.
Theo lãnh đạo Phòng Dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), muốn thu hút được doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề thì thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và nhân dân, người lao động đối với công tác đào tạo nghề, nhận thấy được vai trò quan trọng của việc gắn kết giữa nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, từ đó có trách nhiệm và tích cực tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cũng rất cần những cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và có các ưu đãi về thuế, tín dụng (cho vay mua sắm trang thiết bị đào tạo hiện đại); đơn giản hóa thủ tục hành chính...; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu lao động và hỗ trợ trong quá trình đào tạo; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là các công ty liên doanh, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là quá trình chuyển giao công nghệ.
Bài, ảnh: Đào Hằng