Đa số, những bệnh nhân đó đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, thậm chí nhiều gia đình không có khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc người bệnh. Bởi trước khi đưa người bệnh về chăm sóc tại nhà, hầu hết, các bệnh nhân đều đã được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều nơi song không khỏi, kinh tế vì thế mà khánh kiệt. Để người bệnh ở nhà tự chăm sóc thì có nhiều nguy cơ xảy ra, vừa khó khăn trong quản lý, chăm sóc, lại làm mất ổn định trật tự xã hội tại địa phương, thậm chí người bệnh có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh mỗi khi lên cơn kích động mạnh. Vì vậy, nguyện vọng của hầu hết các gia đình là được gửi con, em mắc bệnh tâm thần của mình đến các Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh mới có 2 đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần, đó là Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan và Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô. Trong đó, với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan thì đối tượng chủ yếu là các thương, bệnh binh. Nhưng trước nhu cầu của thực tiễn đặt ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định để Trung tâm tiếp nhận thêm 50 bệnh nhân tâm thần là đối tượng xã hội ở khu vực huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan, trong đó ưu tiên những đối tượng là thân nhân người có công, người bị tâm thần đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn. Theo ông Lâm Quang Đạo, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan thì hiện nay, có nhiều gia đình mong muốn được gửi người thân mắc bệnh tâm thần vào chăm sóc, điều trị tại Trung tâm.
Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô là đơn vị có chức năng chính là nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần xã hội. Hiện nay, Trung tâm đang điều trị cho 272 bệnh nhân. Đa phần, họ bị mắc bệnh thiểu năng trí tuệ từ nhỏ hoặc do những căn bệnh về não mà không được chữa trị kịp thời, hoặc do những sang chấn tâm lý về gia đình, công việc mà phát bệnh. Mỗi bệnh nhân, dù nguyên nhân khởi phát bệnh tâm thần khác nhau nhưng ở họ đều có chung một điểm đó là hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó, éo le. Theo đại diện Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô để điều trị có hiệu quả cho người bệnh tâm thần, ngoài các vấn đề về chuyên môn thì yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50%. Nhiều khi bác sĩ cũng phải "hóa thân" để cùng cười, cùng nói, tâm sự cùng người bệnh. Khi vào phòng tiêm, khám bệnh cho các bệnh nhân, các y, bác sỹ phải đi từ 2-3 người để hỗ trợ nhau, đề phòng bệnh nhân tấn công... Ngoài việc chữa trị cho bệnh nhân, họ còn phải chăm sóc cho bệnh nhân đến từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm, giặt, cắt tóc… Để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi bác sỹ, y tá, điều dưỡng phải kiêm nhiệm khối lượng công việc rất lớn. Mặc dù nhận được rất nhiều nhu cầu gửi người bệnh vào để được chăm sóc tại Trung tâm, song Trung tâm không thể tiếp nhận được thêm do không còn biên chế người bệnh và nguồn nhân lực ở Trung tâm cũng không đủ để phục vụ thêm người bệnh.
Xuất phát từ nhu cầu của gia đình người bệnh và xét tờ trình của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tháng 11/2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc tiếp nhận đối tượng thuộc diện tự nguyện, trong đó quy định cụ thể, rõ ràng mức đóng góp của người bệnh tự nguyện với tổng chi phí hơn 2,9 triệu đồng/người/tháng, trong đó, bao gồm tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền thuốc và chi phí quản lý, chăm sóc, điều trị… Mức đóng góp này đã được tính toán ở mức tối thiểu nhất, nhằm tạo điều kiện cho gia đình người bệnh. Để tiếp nhận được đối tượng tự nguyện, Trung tâm Phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô đã mở rộng thêm về cơ sở vật chất và tăng cường thêm đội ngũ nhân lực, tuy nhiên, hiện nay mới chỉ còn 24 bệnh nhân diện tự nguyện vào Trung tâm, trong đó có mặt tại Trung tâm là 15 đối tượng, còn lại đã tái hòa nhập cộng đồng. Còn với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan thì hiện mới chỉ có 4 bệnh nhân thuộc diện tự nguyện, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế của các gia đình người bệnh.
Theo lãnh đạo các Trung tâm, thì nguyên nhân chưa có các người bệnh tự nguyện vào điều trị tại Trung tâm là do mức đóng góp hàng tháng khá nhiều, trong khi phần lớn những gia đình có người thân bị bệnh tâm thần đều là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên với họ, mức đóng góp gần 3 triệu đồng/tháng là quá khả năng.
Những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai, thực hiện tốt nhiều chính sách của Nhà nước đối với người mắc bệnh tâm thần, đặc biệt tỉnh ta cũng đã có chính sách riêng trong việc hỗ trợ nâng cao mức tiền ăn của người bệnh đang được chăm sóc, điều trị tại các Trung tâm. Với việc ban hành quyết định cho các Trung tâm được tiếp nhận đối tượng tâm thần tự nguyện đã mở ra một hướng mới, tạo điều kiện cho gia đình bệnh nhân gửi người bệnh đến để được chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, để quyết định đầy tính nhân văn này thực sự trở thành "cứu cánh" cho bệnh nhân tâm thần thì gia đình những bệnh nhân này rất mong mỏi có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương… để chia sẻ phần nào khó khăn về khoản kinh phí đóng góp mỗi tháng, từ đó các gia đình có bệnh nhân tâm thần mới có khả năng đưa người thân của mình vào các Trung tâm để điều trị.
Nguyễn Hùng