Giá mía xuống thấp
Hiện bà con nông dân ở bản Ao Lươn (xã Kỳ Phú) cũng đang bước vào vụ thu hoạch mía. Hiện nay, trong tổng số 100 ha mía của cả bản thì bà con đã chặt bán cho Nhà máy mía đường Việt Đài, Thanh Hóa khoảng trên 4.500 tấn mía. Năm nay, với giá thu mua như trên, nếu năng suất mía đạt 90 tấn/ha thì trừ chi phí, bà con cũng chỉ thu về từ 3-4 triệu đồng/ha. Còn đối với diện tích mía chỉ đạt năng suất từ 70-75 tấn/ha thì người nông dân cầm chắc bị lỗ. Bà Bùi Thị Nhâm, bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú cho biết, ngay từ đầu năm, gia đình bà đã ra sức chăm chút cho ruộng mía với niềm hy vọng sẽ thu được một khoản tiền kha khá để sắm sửa thêm vật dụng trong gia đình, đầu tư tái sản xuất và chuẩn bị một cái Tết đầm ấm, đủ đầy. Nhưng năm nay, với giá mía như hiện tại thì gia đình bà cầm chắc lỗ. "Vậy là mọi tính toán từ đầu năm đã tan biến không đạt được ý nguyện. Những khoản tiền vay nho nhỏ để đầu tư cho cây mía đã chưa thể trả được ngay trong năm nay. Trồng mía cũng rất vất vả, song được xem là cây trồng phù hợp nhất với đồng đất quê tôi. Vì vậy, những năm qua bà con trong bản vẫn bảo nhau cố gắng duy trì. Nhưng nếu giá mía bấp bênh như thế này thì chúng tôi rất muốn chuyển đổi sang cây trồng khác, có thị trường ổn định hơn"- bà Nhâm nói.
Hiện nay, toàn huyện Nho Quan có trên 800 ha mía, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao như Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long. Năng suất bình quân ước đạt 85 tấn/ha, một số diện tích vụ mía đầu đạt năng suất 90 tấn/ha. Đến thời điểm hiện tại, bà con các xã đã thu hoạch được trên 30% diện tích. Theo lý giải từ Nhà máy thu mua mía, sở dĩ năm nay giá mía thấp kỷ lục là do giá đường giảm mạnh.
Khan hiếm lao động thu hoạch
Giá mía giảm kỷ lục, gánh nặng càng đè xuống vai người nông dân khi họ phải tìm thuê nhân công thu hoạch với mức chi phí khá cao. Như gia đình anh Nguyễn Hữu Bình phải thuê hơn chục lao động ở Thanh Hóa thu hoạch mía với mức giá 200 nghìn đồng/tấn, hoặc tính giá thu theo bó. Anh Bình cho biết, ngoài việc phải đối diện với sự bấp bênh của giá mía, năm nào gia đình anh cũng phải lo lắng về nguồn nhân lực thu hoạch nguyên liệu. "Ngoài ruộng mía này, tôi còn gần 1 ha mía nữa, nhưng phải thu hoạch vào dịp sau Tết mới đảm bảo đúng tiêu chuẩn độ đường cho phép. Thời điểm sau Tết, việc tìm lao động thu hoạch mía còn nan giải hơn nhiều, bởi đó cũng là thời điểm mà người lao động ở Thanh Hóa phải thu hoạch mía của gia đình mình… Được biết, trước đây, gia đình anh Bình đã mạnh dạn chuyển 1 ha từ trồng mía sang trồng na. Hiệu quả kinh tế thì không cần phải bàn, có điều mối lo lắng nhất của gia đình anh đó là thiếu lao động thu hoạch nông sản. "Trong khi nếu là mía thì có thể thu hoạch dần, chứ na thì chín nhanh. Nếu không kịp thu hoạch thì coi như bỏ. Vì vậy, gia đình tôi cũng không dám chuyển đổi sang các cây trồng khác"- anh Bình nói.
Ở bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú một giải pháp mà những hộ dân ở đây lựa chọn nhằm vừa đảm bảo tiến độ thu hoạch, vừa giảm bớt chi phí do giá mía xuống thấp là các hộ đổi công thu hoạch cho nhau. Hơn 1 ha mía của gia đình chị Bùi Thị Chia được thu hoạch từ sáng sớm, mặc cho cái lạnh đến cắt da thịt. Chị Chia cho biết, riêng bản Ao Lươn trồng trên 100 ha mía. Đa số lao động ở nhà trồng mía là phụ nữ và người cao tuổi, đàn ông trong bản hầu hết đi làm ăn xa. Vì vậy, tình trạng khan hiếm lao động thu hoạch nguyên liệu xảy ra thường xuyên, thậm chí có muốn thuê cũng rất khó và phụ thuộc. Đặc biệt, năm nay giá mía xuống thấp, vì vậy với trách nhiệm là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ của Bản Ao Lươn, chị Chia tư vấn và phân công các hội viên đổi công thu hoạch mía cho nhau. Những hộ có diện tích mía đủ độ đường, cần thu hoạch theo chỉ định của nhà máy thì sẽ được ưu tiên thu hoạch trước. "Nếu việc thu hoạch diễn ra đồng loạt thì bà con buộc phải thuê nhân công với giá 200 nghìn đồng/tấn mía mà cũng khó tìm được người để thuê. Có năm, do không thuê được nhân công, chính quyền địa phương phải phối hợp với đơn vị bộ đội trên địa bàn nhờ thu hoạch giúp dân"- Chị Chia nói.
Ông Lương Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết, hiện nay đang bước vào vụ thu hoạch mía đại trà, hầu hết nhà máy đã bố trí lịch cho bà con nhưng do thiếu nhân công nên tiến độ thu hoạch mía có phần chậm lại. Việc thiếu hụt lao động đã làm cho giá nhân công tăng cao. Trước tình hình trên, để hỗ trợ người trồng mía đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân huy động mọi nguồn lực từ gia đình, thôn, xóm; các tổ hợp tác trồng mía tiến hành trao đổi ngày công và kịp thời hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn về nhân lực thu hoạch mía. Thực tế cho thấy, mía vẫn là cây trồng phù hợp với chất đất khô hạn, không có nguồn tưới tiêu của vùng này. Tuy nhiên, để bà con gắn bó với cây trồng này, đòi hỏi Nhà nước, địa phương cần có những chính sách ưu đãi hơn nữa, hỗ trợ bà con trong việc đưa KHKT vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm giá thành cho cây mía… giúp bà con có nguồn thu ổn định, yên tâm sản xuất.
Bài, ảnh: Đào Hằng