Công tác xuất khẩu lao động được đánh giá là hướng đi hiệu quả nhằm cải thiện kinh tế của nhiều gia đình, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn. Tuy nhiên, có một thực tế là sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, mặc dù đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề, đặc biệt là tác phong làm việc rất chuyên nghiệp, song khi trở về nước, nhiều lao động vẫn khó khăn tìm việc làm đúng với chuyên môn. Các doanh nghiệp vẫn chưa có chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề này.
Năm 2006, anh Đinh Văn Huy ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Có nghề cơ khí trong tay, anh Huy được nhận vào làm tại một công ty cơ khí với mức lương ổn định tương đương gần 30 triệu đồng tiền Việt/tháng. Sau 6 năm làm việc nơi xứ người, anh Huy tích lũy được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp và có được số vốn đáng kể nên quyết định trở về quê hương để lập nghiệp và ổn định gia đình. Trở về từ năm 2013, song đến nay anh Huy vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với ngành nghề mình từng làm. "Với tay nghề của mình, tôi có thể tự tin làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hiện nay ở tỉnh cũng có những doanh nghiệp cơ khí, tuy nhiên, doanh nghiệp lại trả mức lương thấp, cũng chỉ như lao động bình thường khác. Nếu so sánh mức lương này với sức lao động và tay nghề của chúng tôi thì thực sự chưa cân xứng. Một số người cùng đi xuất khẩu với tôi không xin được việc làm phù hợp trong tỉnh đã tìm đi các tỉnh khác để làm việc cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc với mức lương khá cao. Còn tôi vướng bận chuyện gia đình nên không thể đi làm xa. Loay hoay mãi, tháng vừa rồi tôi đã quyết định đăng ký học lái xe. Thôi thì bằng số vốn có được, tôi sẽ mua một ô tô để chở khách"- anh Huy nói. Chị Đặng Thị Thắm, ở thôn áng Sơn, xã Ninh Hòa (Hoa Lư) là vợ của anh Nguyễn Anh Thống, một lao động đang làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc. Chị Thắm kể, đây là lần thứ hai anh Thống trở lại Hàn Quốc để làm việc. "Chồng tôi trở lại Hàn Quốc vào đầu năm 2015. Trước đó, chồng tôi định về hẳn để tìm việc làm ở quê. Ngặt nỗi, vốn đã quen tác phong làm việc công nghiệp, được trả lương xứng đáng nên tìm việc làm trong nước phù hợp với khả năng và thu nhập cao rất khó khăn. Vậy nên anh quyết định làm thủ tục để quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Ngoài ra, anh đầu tư số vốn nho nhỏ để mở cho tôi một cửa hàng bán đồ điện tại nhà. Cũng dự định làm thêm vài năm nữa là chồng tôi về hẳn và đầu tư vào công việc kinh doanh tại gia đình" - chị Thắm nói.
Xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư là địa phương có số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nhiều nhất trong tỉnh. Theo ông Hoàng Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hòa: Toàn xã vẫn còn trên 200 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó, phần lớn là các lao động làm việc tại Hàn Quốc, ngoài ra có Đài Loan, Nhật Bản. Nhờ có xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình ở Ninh Hòa thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, khi hết hạn hợp đồng lao động ở nước ngoài về nước họ lại khó tìm được việc làm với mức thu nhập phù hợp. Chỉ tính riêng hơn 10 lao động trở về nước vào đầu năm 2015 vừa rồi, mặc dù có nhu cầu song vẫn không có lao động nào tìm được việc làm đúng chuyên môn, lý do vì mức lương mà các đơn vị trả cho người lao động còn thấp. Khó tìm việc phù hợp, một vài lao động mở cửa hàng buôn bán nhỏ tại gia đình, còn phần lớn lao động khác lại tích cực học tiếng và nâng cao tay nghề chờ cơ hội thi tuyển và quay trở lại thị trường Hàn Quốc.
Theo lãnh đạo Phòng Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lao động sau khi hồi hương trên địa bàn tỉnh, cũng như việc họ có tìm được việc làm phù hợp hay không, nhưng có thể khẳng định, lực lượng lao động sau khi trở về nước đúng thời hạn hợp đồng, có tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, để tham gia được vào các thị trường lao động như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…, ngay từ vòng tuyển dụng, người lao động đã phải trải qua những bước kiểm tra tay nghề, kỹ năng, tác phong làm việc và ngoại ngữ rất khắt khe. Nghĩa là ngay từ xuất phát điểm, chất lượng lao động tham gia vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đã cao hơn hẳn những nước khác. Thêm vào đó, những năm tháng làm việc ở nước ngoài đã rèn luyện cho nhiều lao động Việt Nam những kỹ năng, tay nghề vững vàng, tác phong nhanh nhẹn. Đây thực sự là nguồn nhân lực cần được khai thác.
Qua khảo sát, sau nhiều năm làm việc bên xứ người, người đi xuất khẩu lao động đều mong muốn trở về quê hương để làm việc, cống hiến. Tuy nhiên, chính sách thu hút của các doanh nghiệp chưa tương xứng với khả năng của người lao động. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách thu hút, ưu tiên đối với người trở về sau khi xuất khẩu lao động nhằm tránh lãng phí, thất thoát nguồn nhân lực này.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng