P.V: Xin đồng chí cho biết thực trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh ta hiện nay?
Bác sỹ Hoàng Huy Phương: Có thể nói, hình thái dịch ở Ninh Bình vẫn đang trong giai đoạn tập trung. Tỷ lệ nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy. Dịch có xu hướng chững lại và không tăng nhanh như những năm trước đây, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn chưa khống chế được dịch, các yếu tố nguy cơ làm bùng nổ dịch vẫn còn cao.
P.V: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2010 là "khống chế tỷ lệ nhiễm HIV ở cộng đồng dân cư dưới 0,3%"; Thời gian tới chúng ta làm gì để ngăn chặn sự gia tăng của HIV/AIDS?
Bác sỹ Hoàng Huy Phương: Mục tiêu hành động phòng, chống AIDS tỉnh Ninh Bình đến năm 2010 mà Ban chỉ đạo đề ra là "khống chế tỷ lệ nhiễm HIV ở cộng đồng dân cư dưới 0,3%". Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung vào một số công việc cụ thể sau đây:
Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS (Chỉ thị 54-CT/T.Ư, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, Thông tri 27-TT/TU của Tỉnh ủy Ninh Bình, Kế hoạch hành động phòng, chống AIDS của UBND tỉnh Ninh Bình…).
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi tập trung cho những đối tượng có hành vi nguy cơ cao (nghiện ma túy, mại dâm), nhóm dân di biến động, thanh niên đường phố... nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
Tổ chức tốt công tác quản lý, chăm sóc và tư vấn, điều trị nhiễm HIV/AIDS, tăng cường tiếp cận thuốc kháng vi rút (ARV) cho bệnh nhân AIDS. Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua các dịch vụ y tế: giám sát, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, đảm bảo an toàn truyền máu và các chế phẩm của máu, thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở y tế. Triển khai các hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại với các đối tượng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, tập trung cho nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm.
Tiếp tục kiện toàn và tăng cường năng lực của hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS các cấp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
P.V: Trong Tháng hành động Quốc gia phòng, chống AIDS năm 2009, Ban chỉ đạo sẽ tập trung vào những hoạt đồng gì, thưa đồng chí?
Bác sỹ Hoàng Huy Phương: Tháng hành động Quốc gia phòng, chống AIDS năm nay, Ban chỉ đạo sẽ tập trung vào 3 nội dung chính:
Thứ nhất, tổ chức mít tinh và diễu hành quần chúng: Tất cả các cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng ở các địa phương, các cấp, các ngành, các xã, phường trong toàn tỉnh được tổ chức vào cùng một thời điểm là 7h30' ngày chủ nhật 29-11-2009.
Thứ hai, Tổ chức chiến dịch truyền thông: Tổ chức các hoạt động truyền thông phổ biến Luật phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt chú trọng truyền thông về quyền và trách nhiệm của mọi người dân nói chung, bao gồm cả người nhiễm HIV trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và dự phòng lây nhiễm HIV, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp các dịch vụ này.
Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như nói chuyện sức khỏe với cá nhân, với nhóm, thăm gia đình, tổ chức sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng và các hình thức truyền thông có hiệu quả khác như đội tuyên truyền lưu động, đội chiếu bóng lưu động, các cuộc thi tìm hiểu phòng, chống HIV/AIDS... cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.
Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nhiễm HIV/AIDS...; tổ chức các đêm giao lưu văn nghệ truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, nhất là ở xã, phường, thôn, ấp, bản…; tổ chức các sự kiện truyền thông có sự tham gia của người nhiễm HIV và gia đình; của các nhà lãnh đạo, người nổi tiếng…
Xây dựng các cụm panô, khẩu hiệu, treo băng zôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên, cửa ngõ thành phố, xã phường, thôn, ấp, bản và cổng các cơ quan, đơn vị… Phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng… tại các địa điểm công cộng như các bến tàu xe, nhà ga, các cơ sở y tế và lồng ghép trong các sự kiện khác… Rà soát và cương quyết gỡ bỏ các biển quảng cáo, panô, áp phích có nội dung, hình ảnh tiêu cực, kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Thứ ba, triển khai thực hiện các hành động phòng, chống HIV/AIDS thiết thực thu hút các nhà lãnh đạo và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia: Giới thiệu và quảng bá rộng rãi và chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng và chăm sóc điều trị HIV/AIDS sẵn có bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, nhất là người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Tăng cường cung cấp dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến và cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho các đối tượng có nhu cầu. Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính luôn sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, giao lưu nhằm vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phuơng. Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ và chăm sóc người nhiễm HIV. Vận động người nhiễm HIV và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Tổ chức cho các nhà lãnh đạo các cấp tham gia thuyết trình trong các cuộc họp, hội nghị, các sự kiện truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, đi thăm hỏi, động viên, thăm các tổ chức, cơ sở chăm sóc, hỗ trợ và điều trị bệnh nhân AIDS, các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực và cá nhân, gia đình bệnh nhân AIDS giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng.
Tổ chức các hội nghị chuyên đề, các cuộc họp để kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, các cá nhân trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS theo chức năng, nhiệm vụ đặc thù. Tổ chức các chuyến giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS của tất cả các cấp, các ngành.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)