Nhằm tiết kiệm tối đa biên chế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập, ngày 8/4/2015, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2387 về công tác y tế, tài chính kế toán trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy định về việc tổ chức y tế trường học, tài chính kế toán trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc phạm vi quản lý tạm thời ngừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế, tài chính kế toán tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Thực hiện công văn của Văn phòng Chính phủ, mấy năm trở lại đây tỉnh ta không tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế. Theo thống kê của Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo thì trong năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 151 trường mầm non, trong đó có 148 trường mầm non công lập. Qua khảo sát, hiện có 70 nhân viên y tế trong bậc học mầm non, trong đó chỉ có 3 biên chế, còn lại là nhân viên hợp đồng, kiêm nhiệm. Thậm chí có huyện 100% trường mầm non còn "trắng" nhân viên y tế. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, hiện nay đội ngũ nhân viên y tế trong bậc học mầm non quá mỏng như vậy khiến cho việc chăm sóc trẻ cũng gặp nhiều khó khăn.
Bước vào năm học 2017-2018, Trường Mầm non xã Yên Quang (huyện Nho Quan) có trên 400 trẻ ở 14 nhóm lớp. So với năm học trước, năm học này tăng về số trẻ ra lớp. Nhà trường đã chuẩn bị tốt nhất điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực để làm tốt nhiệm vụ năm học, tuy nhiên một trăn trở lớn đối với nhà trường đó chính là công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Bởi từ khi thành lập trường đến nay, nhà trường chưa có một nhân viên y tế nào dù chỉ là hợp đồng. Cô giáo Dương Thị Luận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Quang cho biết, nhà trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2015, ngoài trang bị đủ các phòng chuyên môn phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ thì nhà trường cũng có một phòng dành riêng cho công tác y tế.
Tuy nhiên, do không có nhân viên y tế nên phòng y tế này chỉ có một tủ thuốc nhỏ với vài loại thuốc thông thường. Vì vậy, nếu có trẻ ốm đau hay bất ngờ gặp tai nạn thương tích thì các cô giáo chỉ còn cách chuyển sang trạm y tế xã cho yên tâm. Và đến bây giờ, cô giáo Hiệu trưởng Dương Thị Luận vẫn không quên được một "kỷ niệm" xảy ra cách đây vài năm. Đó là một học sinh lớp 2 tuổi khi được gia đình đưa đến trường thì vẫn khỏe mạnh, nhưng đến trưa thì cháu có biểu hiện bất thường, các cô giáo đã cho bé nằm gần cô để quan sát. Đến khoảng 30 phút sau thì bé co giật và sốt cao, các cô giáo thực hiện sơ cứu ban đầu, song tình hình vẫn rất nguy hiểm, các cô liên hệ ngay với Trạm Y tế xã để đến cấp cứu kịp thời. Sau đó chuyển cháu bé lên Bệnh viện Đa khoa huyện.
Trước tình hình con nhỏ bị nguy kịch, gia đình cháu bé gây áp lực và đổ trách nhiệm cho nhà trường, chỉ đến khi nghe kết luận từ phía bệnh viện là do cháu có tiền sử động kinh thì gia đình mới thừa nhận là cháu bị động kinh bẩm sinh và cách đây mấy ngày cháu đã không được khỏe. "Công tác y tế trường học mầm non gồm nhiều nội dung quan trọng như: Kiểm tra sức khỏe, theo dõi sự phát triển thể lực cho trẻ, sơ, cấp cứu ban đầu; tổ chức các hoạt động truyền thông; hướng dẫn, giám sát việc tổ chức các bữa ăn an toàn, đủ chất dinh dưỡng… Bên cạnh đó, thời gian chính của trẻ là ở trường, vì vậy nếu không được theo dõi, chăm sóc sức khỏe chu đáo thì các cháu rất dễ mắc các bệnh thông thường về hô hấp, tiêu hóa, cảm cúm và tai nạn thương tích, sặc sữa, cháo, thức ăn… nên cần cán bộ có chuyên môn, được đào tạo mới có thể làm tốt vị trí này"- cô giáo Dương Thị Luận chia sẻ.
Trước tình hình đó, một số trường đã chủ động ký hợp đồng với nhân viên y tế, tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên mức chi trả cho các nhân viên y tế hợp đồng chưa cao, và cũng vì tâm lý làm hợp đồng, thiếu gắn bó nên chất lượng cũng chưa được đảm bảo. Một phương án được nhiều trường mầm non áp dụng hơn đó là phân công giáo viên làm nhiệm vụ kiêm nhiệm thêm chức năng của nhân viên y tế. Tuy nhiên, do không được đào tạo chuyên môn nên việc phát hiện các triệu chứng bệnh, sơ cứu ban đầu cũng lúng túng. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú, khâu tính toán khẩu phần ăn sao cho đủ dinh dưỡng cũng chưa được đảm bảo theo đúng quy trình.
Nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn cho các trường mầm non trong vấn đề y tế học đường, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh tại trường học cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường học, tuy nhiên đây chỉ được xem là tình thế trước mắt. Chăm sóc trẻ em là hoạt động đặc thù, diễn ra trong ngày nên đội ngũ nhân viên cần ổn định lâu dài và phải đảm bảo về chất lượng chuyên môn. Do vậy, rất cần có sự đầu tư đồng bộ, bài bản của các địa phương, các ngành chức năng trong việc ký kết hợp đồng lao động lâu dài với các nhân viên y tế cho các trường mầm non. Mặt khác, tăng cường sự gắn kết, hỗ trợ của các Trạm Y tế, các Trung tâm y tế gần trường học, có như vậy, chất lượng chăm sóc thể chất và tinh thần cho trẻ mới đảm bảo ở mức tốt nhất.
Nguyễn Hùng