Với bản thân tôi, một nhà báo có hơn chục năm gắn bó với nghề, mỗi vùng đất, mỗi địa danh đều mang lại những cảm xúc để có thể viết lên thành tác phẩm báo chí. Kênh Gà (Gia Thịnh)- một địa danh du lịch nổi tiếng của huyện Gia Viễn là một trong những địa điểm khiến không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nhà báo mong muốn được trở lại nhiều lần để tác nghiệp.
Thật ngẫu nhiên khi cô bạn đồng nghiệp ở Đài PT-TH rủ tôi về thôn Kênh Gà vào một ngày cuối năm rét buốt và mưa phùn cũng trùng với thời điểm cách đây 6 cái Tết, cả hai chúng tôi tự dưng muốn về Kênh Gà để viết về việc đón xuân mới của người dân làng chài. Khi đó, chỉ còn vài ngày nữa là Tết đến, không khí chuẩn bị đón xuân của người dân làng chài khá sôi nổi với những thuyền chở hàng hóa, nhất là hàng quần áo cập bến phục vụ khách.
Thật may, tôi đã "chộp" được những khoảnh khắc đẹp khi người trên thuyền, người dưới bến cùng mua-bán để đưa kèm ảnh với bài báo "Tết ở làng chài". Khi đi phỏng vấn người dân về không khí đón xuân mới, nhất là những hộ gia đình quanh năm sinh sống trên thuyền, mặc dù trên thuyền đã chuẩn bị đầy đủ hương vị Tết, nào là bánh chưng, giò, thịt, mâm ngũ quả... nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác thiếu thiếu một cái gì đó. Khi được hỏi, nhiều người mong ước được đón xuân trong một ngôi nhà mới trên bờ khiến chúng tôi cay cay sống mũi.
Là thôn có cuộc sống đặc thù luôn gắn liền với sông nước, cũng vì thế mà nghề nghiệp của người dân trong thôn cũng gắn liền với mặt nước mênh mông: nghề đi tàu, chở thuyền, đánh bắt thủy sản... cuộc sống của nhiều gia đình luôn gắn với chiếc thuyền. Ngay cả những hộ tuy có nhà cửa trên bờ nhưng vì miếng cơm manh áo nên thường xuyên vắng nhà, việc học hành của con em cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc sống mưu sinh của bố mẹ, gia đình, chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa. Ngày Tết với những hộ không có nhà trên bờ rất buồn tẻ. Họ neo đậu thuyền vào một địa điểm gần bờ để đón nhận không khí đón xuân mới...
Trở lại Kênh Gà lần thứ hai, cũng là một ngày giáp Tết Nguyên đán mưa phùn, rét buốt. Ban đầu tôi định không đi vì ngại mưa, rét. Nhưng rồi những khó khăn của mảnh đất ấy và ước muốn giản đơn của người dân làng chài mà tôi đã từng phỏng vấn đã thôi thúc tôi cần phải đi để được chứng kiến những đổi thay của vùng đất này. Quả thật là chuyến đi tác nghiệp này đã không làm tôi thất vọng. Đi trên chiếc cầu sắt bắc qua sông, hình ảnh của những ngôi nhà mái bằng khang trang, kiên cố, thậm chí được thiết kế rất đẹp xuất hiện ngay trước mắt chúng tôi. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của bác trưởng thôn, chúng tôi đã nhanh chóng tìm hiểu được những thông tin cần thiết cho công việc. Điều làm chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc dù phải tác nghiệp trong giá rét chính là những đổi thay nơi đây.
Theo thông tin từ bác Trưởng thôn và trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với nhiều hộ thuyền chài nơi đây, điều vui nhất chính là hàng năm đã có thêm nhiều hộ gia đình lên bờ làm nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh lênh đênh sông nước. Được sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, từ hơn 170 hộ chưa có nhà ở trên bờ, sau mấy năm thôn đã có hơn 70 hộ có nhà ở. Có đất, có nhà người dân đã có điều kiện "lạc nghiệp" phát huy đặc thù của vùng sông nước, Kênh Gà đã năng động, mạnh dạn trong phát triển kinh tế, đời sống ngày một khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn 9%, thấp hơn mức bình quân chung của xã.
Đặc biệt, sự học nơi đây có những chuyển biến tích cực, nhận được sự quan tâm sát sao hơn của các gia đình, phụ huynh. Hàng năm có từ 1-2 cháu đỗ vào các trường cao đẳng, đại học, thôn có hơn 10 cháu thi đỗ và theo học tại các trường THPT trong huyện. Đây là điều mà trước kia, người dân trong thôn chưa bao giờ nghĩ đến.
Lúc này thì bản thân tôi thầm tiếc đã về Kênh Gà hơi muộn, khi số báo Tết Nhâm Thìn đã ra mắt bạn đọc, nếu không, chắc chắn tôi sẽ có một bài báo hay về những đổi thay ở thôn Kênh Gà trên ấn phẩm này. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, Kênh Gà đã mang lại cho tôi những cảm xúc và ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời làm báo. Nhiều khi ngồi nhà nghĩ các đề tài để chuẩn bị cho những bài báo tiếp theo, hình ảnh Kênh Gà hiện lên khiến tôi thầm nhắc nhở mình: Mỗi vùng đất mà mình trực tiếp đến chính là chất liệu cho mỗi bài báo. Chính vì vậy, việc đến với mỗi địa phương không chỉ là cơ hội khám phá một vùng đất mới mà còn là đề tài vô vùng phong phú và hấp dẫn, tạo cơ hội cho những người cầm bút viết lên những tác phẩm báo chí.
Phan Hiếu