Thế rồi những tiếng ru ầu ơi, những câu chuyện cổ tích mẹ kể năm xưa, tháng năm trải nghiệm trong cuộc sống... bằng quan sát tinh tế, sự rộng mở lắng nghe âm thanh cuộc sống, cảnh vật con người đã dội vào tâm tưởng anh, tạo nên mạch nguồn cảm xúc dạt dào, tuôn trào, không ngừng chảy, đến một lúc nào đó thăng hoa, cất cánh, vỡ òa thành thơ. Không có ý định xây dựng sự nghiệp văn thơ, cũng không qua một trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật, song dường như những vốn sống phong phú đã tiếp nhận và nâng cánh tâm hồn thơ trong anh. Đó là những gì tôi "đọc" được ở tác giả Đinh Ngọc Lâm qua tập thơ "Hoa thảo nguyên" của anh.
Thơ anh là sự bộc bạch, trăn trở, suy tư, nghiền ngẫm của con người anh. Không phải ngẫu nhiên khi anh chọn 2 câu kết trong bài thơ "Cân bằng": Hạnh phúc khi cân bằng được bình yên và nghiệt ngã/Niềm tin nhìn về phía xa xăm vạt nắng cuối chân trời... với nụ cuời thật tươi" để đặt lời đề tựa cho tập thơ Hoa thảo nguyên, tập thơ đầu tay của mình. Ta như thấy ở đó một con người đầy ý chí, nghị lực, từng trải, luôn có sự chiêm nghiệm cuộc sống để tìm ra lẽ sống, thế giới nhân sinh quan cho mình. Bến bờ hạnh phúc nào cũng phải xây nên từ những nấc thang thăng trầm trong cuộc đời, đó là điều anh muốn gửi gắm. Một con người luôn có niềm tin, sự lạc quan, kỳ vọng ở phía trước.
Trong thơ anh có những khoảng lặng trầm tư mà ở đó là những dòng suy tưởng đau đáu về nhân tình như "Nỗi niềm nhân thế", "Khóc Thị Kính"... Còn có sự chấp nhận, bằng lòng với cuộc sống, quy luật tự nhiên, cân bằng để vươn mình đứng vững trong bão táp, khó khăn, thử thách. Thơ anh đề cao tình cảm, lẽ sống, trân trọng con người, nâng niu cái đẹp. Giữa thảo nguyên bao la, giữa muôn màu của cuộc sống, những cái đẹp dù rất nhỏ nhoi sẽ luôn tỏa rạng, trường tồn vĩnh hằng - Hoa thảo nguyên - hữu xạ tự nhiên hương.
Đọc thơ anh, tôi thấy anh là người giàu cảm xúc, rất dễ rung động trước thiên nhiên, con người, vạn vật... Một mùa thu Hà Nội, những chiếc lá vàng rơi, những cơn mưa, bóng chân trần, con đò quê hương, những cánh đồng vàng đầy ắp mùa vàng... đều đi vào thơ anh một cách dung dị, trữ tình. Tình yêu là một mảng đề tài trong thơ anh, nhưng ở một sắc thái, mức độ và cung bậc riêng. Da diết, trầm lắng nhưng đầy cồn cào, mãnh liệt như trong bài: "Tìm", "Khát"....
Quê hương cũng là một trong những nguồn cảm hứng vô tận trong các sáng tác của anh. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Ninh Hải (Hoa Lư) sơn thủy hữu tình, có Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nên thơ, bởi vậy trong anh và trong thơ, miền quê yêu dấu đó đẹp, thân thương và thật thiêng liêng. Khắc sâu và luôn hướng về cội nguồn đã tiếp thêm cho anh nghị lực để vượt qua gian khó, sóng gió cuộc đời. Với anh quê hương luôn nâng đỡ mình. Trở về với chốn bình yên ấy anh mãi như thỏa mình trong dòng sữa mẹ, với cảm xúc nguyên khai đầu đời của "Tự khúc quê nhà", "Con thuyền ước mơ", "Bến gọi", "Tiếng ru"...
Thơ anh còn là sự trở về với quá khứ hào hùng với những chứng tích lịch sử vàng son, với nhiều địa danh mang dấu ấn như : "Thành cổ - khúc tráng ca", "Khúc ca rừng Sác", "Con đường Hồ Chí Minh", "Chiều ở Ngã ba Đồng Lộc"... Ôn lại truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, nhắc lại những chiến công lẫy lừng, những mồ hôi, xương máu, nuớc mắt, chia li, mất mát là điều cần thiết để giáo dục lớp trẻ tiếp nối, vươn mình cho xứng đáng với truyền thống cha ông.
Hình ảnh trong thơ anh hết sức gần gũi, thân quen, là cây đa, giếng nước, sân đình, con thuyền, dòng sông... những cảnh sắc của nông thôn, đất nước, con người …khiến cho người thưởng thức dễ tiếp nhận. Nhưng không bị xáo mòn từ những người đi trước bởi hình ảnh trong thơ anh có nhiều nét mới lạ. Cũng viết về biển nhưng biển lại mang một ý nghĩa biểu trưng khác, tâm sự khác. Với biển, anh không chỉ biết chằm mình cùng sóng bạc đầu, say đắm trước bờ bãi đẹp, mà còn định hình được trước mênh mông vô tận ấy, có thể sẽ không bằng lòng nếu như biển quá dông tố, hay quá phẳng lặng. Trước biển anh hoàn toàn là một con người lí trí.
Phải nói rằng, tác giả Đinh Ngọc Lâm là một tâm hồn thơ có sự cảm nhận, quan sát tinh tế và mang đậm tính nhân văn. Từ hình ảnh một cụ già 90 tuổi "trên giường bệnh" hay chuyện đời, chuyện thơ, quy luật nhân quả... anh đã nhắn nhủ con mình nhiều điều. Đọc bài thơ "Câu chuyện cho con", "Nhớ thêm lần nữa"... hơn cả một lời giáo huấn.
Thơ anh là thế, không ồn ào, vội vã mà cứ nhẹ nhàng, mênh mang lan tỏa, chân chất. Thơ anh gần gũi, dung dị nhưng rất sâu sắc, giàu tính triết lý. Những câu kết trong các tứ thơ, khổ thơ, bài thơ thường mang nhiều thông điệp cho cuộc sống với nhiều hàm ý như "Nỗi niễm nhân thế", "Nhân đức mẹ ta", "Cân bằng"... Thơ anh sử dụng nhiều hình tượng, ẩn dụ như trong bài "Tự khúc quê nhà", "Con thuyền ước mơ"...
"Hoa thảo nguyên" là những bài thơ đa dạng các chủ đề, phong phú về nội dung. Một trong những điều nhận thấy trong "Hoa thảo nguyên" là việc sử dụng những điệp từ, điệp ngữ để nhấn mạnh cảm xúc đến tận cùng như "Hết mình", "Sang ngang", "Đêm", "Kìa em"... Trong nhiều bài thơ, tác giả đã sử dụng những câu thơ, vần thơ ngắn, súc tích, có khi chỉ là một động từ, một địa danh, một hình ảnh... Đó chính là sự dày công tôi luyện, chắt lọc trong tấn quặng ngôn từ.
Với 45 bài thơ, "Hoa thảo nguyên" đã để lại ấn tượng khó phai trong tôi về một con người, một hồn thơ sâu nặng, trữ tình.
Thanh Thủy