"Từ nhà đến biển xa ơi
Một con sóng vỗ làm tôi chạnh lòng".
Với tâm hồn nhà thơ, một người lính đã từng trải nghiệm, và thời gian gần đây về với ngành Văn hóa - Thông tin, rồi ngành Thông tin - Truyền thông, trong cuộc sống đương thời anh thật sâu sắc mỗi khi thả hồn mình vào những câu thơ, bài thơ.
Từ tập thơ "Chiều tím" đến tập thơ "Bến sông quê", rồi đến "Bên này con sóng" là biết bao sự trăn trở. Với "Bên này con sóng", tôi cảm nhận và học hỏi ở anh một sự bứt phá về thơ. Giọng điệu thơ anh không hề mòn cũ, không khuôn sáo, máy móc về thể loại, lại có tầm sâu xa về triết lý nhân văn.
Với bài "Đất thở" thật là sinh động, tinh tế khi anh đưa cả toán vào thơ:
"... Mọi thứ sinh sôi
Riêng đất chẳng sinh sôi
Đất là vĩnh hằng
Đất là nguyên tố
Cuộc sống thế gian ào ào cấp số
Cứ nhân lên. Núi lở, đất mòn..."
Lối thơ bậc thang như trên dễ đọc, dễ hiểu, cho một sự so sánh khoa học, nhẹ nhàng. Tôi cũng rất thích bài "Em về". Ở bài thơ này, người đọc cảm nhận được những từ độc đáo, mới mẻ và rất sáng tạo, câu chữ đẹp đẽ, chiết tự sâu xa, lắng đọng mỗi nỗi niềm thương cảm.
"... Quê nhà câu hát êm êm
Phồn hoa đô thị lắc thêm vòng đời
Em đi đốt cả nụ cười
Rượu sau uống hết phận trời trăng sao..."
Đặt vào đúng chỗ được những từ: "lắc", "đốt", "say", "uống hết", "phận trời trăng sao", đọc lên thấy nao nao nỗi niềm trăn trở, vừa như oán giận, lại vừa thiết tha, muốn "kéo em về". Bởi vì:
"Trăng tròn trăng ở trên cao
Còn em tinh tú ném vào bể dâu
Đâu rồi hương bưởi hương cau?"
Tôi rất thích những tứ thơ thúc giục lòng người hướng về cội nguồn lịch sử. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc để đi vào thiết chế dân chủ ở cơ sở làm đổi mới quê hương là quá trình tất yếu, nhưng phải giữ gìn cho được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều tâm huyết này được Trần Quang Hiển gửi gắm trong bài thơ "Về với câu hò sông Mã":
"Về với câu hò sông Mã tỉnh Thanh
Hào khí Lam Sơn đất lành tụ nghĩa
Trận địa lòng dân, tình yêu xứ sở
Để ngàn đời mặn chát biển Sầm Sơn."
Còn nhiều bài thật hay trong tập thơ "Bên này con sóng", có thể xem đó như một khoảng trời mới về tình đất, tình người, tình đời đằm thắm.
Đinh Tiếp Ký